Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 11.515
Thêm 4 di tích lịch sử cấp Tỉnh được công nhận trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Lượt đọc: 4506Thời gian: 14:24 - 06/04/2023
Ảnh minh họa

(VTH) - Ngày 03/4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành các Quyết định số 704, 705, 706 và 707 về việc xếp hạng  các di tích lịch sử cấp tỉnh gồm: Đình Thanh Lương (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà), Miếu Linh Quang (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền), Nhà thờ Hồ Quang Đại (phường Thủy Biều, thành phố Huế), Đình Nguyệt Biều (phường Thủy Biều, thành phố Huế).

Đình Thanh Lương (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà)

Đình Thanh Lương là ngôi đình cổ kính, trang nghiêm với không gian làng quê xưa có cây xanh cổ thụ rợp mát, phía trước với dòng sông uốn lượn, tạo nên một bãi đất bồi trồng cây xanh ngát. Việc tổ chức lễ tế ở đình Thanh Lương không chỉ để tưởng niệm công đức, tri ân các vị tiền bối, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, mà còn mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Đây là nơi người dân thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục cho con cháu; tạo mối hòa hợp ngày càng gắn bó giữa các tộc phái trong làng; phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, giữ gìn thuần phong mỹ tục, phấn đấu xây dựng đời sống văn hóa ngày càng tốt đẹp bền vững hơn.

Đình Thanh Lương được khởi dựng vào năm 1721. Với sự cẩn trọng trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, ngôi đình không chỉ thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội, mà nó còn đáp ứng các điều kiện cần thiết dưới góc nhìn địa lý phong thuỷ. Trải qua các lần sửa chữa, đình Thanh Lương hiện nay có kiểu thức đình dọc 5 gian, mang dáng dấp của một ngôi đình cổ xứ Huế với đầy đủ các đơn nguyên kiến trúc. Đình làng Thanh Lương gồm các công trình: Trụ biểu, la thành, bình phong, sân đình, tiền đường và nội đình:Thông qua kiến trúc và hoạt động thực hành tín ngưỡng, diễn tiến lịch sử của vùng đất phần nào được phác họa. Hệ thống các sắc phong, địa bạ, hương ước… là một nguồn tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử địa phương nói riêng và lịch sử của cả nước nói chung. Bên cạnh đó, đây còn là biểu tượng văn hóa, là nơi hội tụ và phản chiếu thế giới quan và những giá trị văn hóa cổ truyền của người dân Thanh Lương. 

Cho đến nay, ngôi đình đã tồn tại hơn 300 năm, đình Thanh Lương được xem là một công trình kiến trúc dân gian cổ kính, lại được bảo tồn, giữ gìn tương đối nguyên vẹn. Di tích này đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của ngôi đình làng ở Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.

Miếu Linh Quang (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền)

Miếu Linh Quang là nơi thờ nữ thần của người Chăm (có thể là nữ thần Laskimi), được Việt hóa thành đức phật Chuẩn Đề Bồ Tát hay Bà Tám tay. Hằng năm miếu Linh Quang được dân làng Mỹ Xuyên tế lễ vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch, cũng là ngày Đại lễ Vu Lan diễn ra tại niệm phật đường Song Mỹ, làng Mỹ Xuyên. Miếu Linh Quang là công trình có giá trị về mặt lịch sử, gắn liền với đời sống văn hoá, tinh thần của người dân làng Mỹ Xuyên, một làng quê có bề dày lịch sử, văn hoá. Miếu Linh Quang là địa điểm di tích lưu dấu nhiều tầng văn hóa, qua các tầng văn hóa cho thấy quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa trong dòng chảy văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật là pho tượng nữ thần Laskimi mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa đã được việt hoá thành Bà Tám tay và được người Việt tiếp tục phụng thờ, điều đó cho thấy văn hoá Chăm Pa có một vị trí quan trọng trong dòng chảy văn hoá dân tộc.

Ngày nay, miếu Linh Quang còn lưu lại lại nội dung hai câu đối của danh nhân Đặng Huy Trứ, cùng với các di tích đã được công nhận xếp hạng, các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,… di tích miếu Linh Quang làm phong phú thêm các loại hình di tích trên địa bàn huyện Phong Điền và trở thành địa điểm du lịch tâm linh.

Nhà thờ Hồ Quang Đại (phường Thủy Biều, thành phố Huế)

Hồ Quang Đại là một danh thần xuất thân từ con đường khoa bảng, ông thi đỗ thủ khoa, khoa thi năm 1652. Sau đó, ông lần lượt đảm nhận các chức vụ trọng yếu của chính quyền Đàng Trong, từ Văn chức, Tri huyện Phú Vang, Tri phủ Thăng Hoa, rồi Thị giảng Tri Kinh diên. Đặc biệt, ông là thầy dạy của hai vị chúa (Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu), chính vì thế sau khi ông mất được truy tặng: Phúc Đức quốc sư. Hồ Quang Đại nổi tiếng khí khái, cốt cách cẩn trọng, nghiêm cẩn, trong thời gian nhậm chức, ông được bạn bè kính mến, nhân dân một lòng tôn kính. Do đó, sau ngày ông tạ thế, người dân Nguyệt Biều tỏ lòng thương tiếc, lập miếu để thờ.

Nhà thờ Hồ Quang Đại là địa điểm cúng tế các bậc có công khai khẩn lập làng, đây còn là nơi thờ tự vị quan đại thần dưới thời Chúa Nguyễn, một nhân vật lịch sử nổi tiếng của quê hương Thừa Thiên Huế. Đồng thời đây là nơi còn lưu giữ rất nhiều văn bản Hán Nôm quý hiếm, qua đó góp phần tìm hiểu công cuộc mở mang bờ cõi, chính sách quản lý về dân số, ruộng đất của các Chúa Nguyễn ở khu vực các tỉnh Nam Trung bộ.

Nhà thờ Hồ Quang Đại là loại hình kiến trúc có ý nghĩa văn hóa tinh thần rất lớn, đây là nơi thực hành các nghi lễ truyền thống để con cháu thể hiện lòng biết ơn các thế hệ tổ tiên, vừa là nơi các thành viên họ tộc gặp gỡ, quây quần bên nhau. Nhà thờ Hồ Quang Đại là tài sản tinh thần nhân văn to lớn của địa phương.

Đình Nguyệt Biều (phường Thủy Biều, thành phố Huế)

Đình Nguyệt Biều là nơi thờ tự các vị tiên hiền tổ tiên, thờ cúng của các dòng họ thập nhị tôn phái. Làng đã được Triều đình thời chúa Nguyễn nhà Nguyễn ban sắc phong, cùng thủy tổ của các họ tộc đến sau sinh sống tại làng Nguyệt Biều. Hằng năm vào dịp Thu tế ngày 15/7 Âm lịch, dân làng Nguyệt Biều tổ chức tế lễ tại đình để cầu mưa thuận gió hòa. Cứ 3 năm hoặc 6 năm một lần vào dịp Thu tế (15/7 Âm lịch) là lễ lớn nhất cung nghinh các vị thần Hoàng có công khai canh, khai khẩn và hòm sắc phong từ miếu Ông (cách đình Nguyệt Biều khoảng 1 km) về tại đình Nguyệt Biều, lễ cung nghinh thần vị diễn ra rất long trọng, nhưng vẫn giữ được nghi lễ xưa với sự tham gia đông đủ của con dân trong làng; lễ chánh tế diễn ra vào lúc 4h30 ngày 15/7 Âm lịch. Ngoài ra, vào những ngày lễ tết, ngày mùng 1 và ngày 15 Âm lịch hàng tháng, Ban họ tộc dân làng thường đến dâng hương, chiêm bái.

Đình Nguyệt Biều có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Đình là nơi lưu giữ giá trị văn hóa vật thể với kiến trúc truyền thống của người Việt thuộc loại hình tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt hiện nay, tại đình còn lưu giữ nhiều nguồn tư liệu chữ Hán, như: Những bức hoành phi, câu đối, 21 sắc phong… đây là tư liệu quan trọng của dân làng, giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương nói riêng và của cộng đồng người Việt nói chung. Đây cũng là một trong những thiết chế văn hoá làng xã còn được lưu giữ, duy trì và phát huy tốt trong đời sống hiện tại của Nhân dân địa phương.Thông qua những sinh hoạt lễ hội tại đình làng khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, ý thức dân tộc để đoàn kết, gắn bó cộng đồng trách nhiệm, ý thức bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa cha ông để lại.

Trong bối cảnh hiện nay, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị đối với hệ thống di sản là vấn đề cấp bách, góp phần “xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô”, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 54-NQTW, ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị.

T.H (Nguồn: Cổng TTĐT TT Huế)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL