Dưới mái đình lộng gió, bên chén trà đặc quánh để tiếp khách, cụ Nguyễn Hào (82 tuổi), Trưởng ban Quản lý đình làng Mỹ Lợi bồi hồi nhớ lại: "Nói thật chứ tui cũng không biết mình là đời thứ mấy làm nhiệm vụ trông giữ ngôi đình cổ này nữa! Tui chỉ biết, ngôi đình được dựng từ năm 1808 để thờ tự các ngài khai canh lập làng vào năm 1562 và đã qua 3 lần trùng tu. Từ đó đến nay, ngôi đình đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân làng và cũng là nơi lưu giữ những văn bản Hán - Nôm liên quan đến quần đảo Hoàng Sa có từ triều Nguyễn. Nhờ những giá trị về văn hóa, lịch sử này mà tháng 7/1996, Bộ VHTT&DL đã công nhận đình Mỹ Lợi là Di tích Lịch sử - văn hóa - kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia đấy chú à!".
Ngồi bên cạnh cụ Hào, ông Võ Thanh Tùng (72 tuổi), Phó ban nghi lễ làng Mỹ Lợi, mở chiếc hộp gỗ đã ngả màu để lấy ra những tấm văn bản được viết bằng chữ Hán có niên đại từ năm Cảnh Hưng 20 (tức năm 1759), rồi tự hào nói: "Từ đời ông, đời cha chúng tôi đã căn dặn rằng, phải bằng mọi giá bảo vệ được các văn bản này bởi nó thể hiện chủ quyền vùng biển Hoàng Sa là của nước Việt mình. Thế là suốt hơn 250 năm qua, dân làng không thể nào quên nhiệm vụ gìn giữ những tấm văn bản quý giá này...".
Ông Phan Như Ý, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ còn cho hay, sau hơn 250 năm giữ gìn văn bản Hán - Nôm quý giá có từ triều Nguyễn, dân làng Mỹ Lợi đã quyết định mời các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Huế về tận đình làng để dịch nghĩa, và đại ý thông tin trong văn bản này là: "Vào năm Quý Hợi 1973, phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang) buộc phường Mỹ Toàn (làng Mỹ Lợi) đón chiếc thuyền của Cai đội Hoàng Sa để kéo về bờ sông và cùng nhau tổ chức tuần tra trên biển Hoàng Sa. Tuy nhiên, phường An Bằng lại không thực hiện đúng cam kết nên ngày 19 tháng 9 năm Cảnh Hưng thứ 20 (tức ngày 6/11/1759), triều đình đã ban sắc chiếu đóng dấu ấn buộc phường An Bằng đền tiền 3 quan cho phường Mỹ Toàn...". "Nội dung văn bản này hoàn toàn đúng với những chi tiết được ghi chép lại của làng Mỹ Lợi khi hơn 250 năm về trước, dân làng Mỹ Lợi đã thường xuyên tiếp tế lương thực và phối hợp với Cai đội Hoàng Sa để tuần tra trên biển... Như vậy, văn bản Hán - Nôm này là bằng chứng lịch sử không thể chối cãi, thể hiện chủ quyền vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam", ông Ý khẳng định.
Trước những thông tin quan trọng trong các văn bản của triều Nguyễn liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa do dân làng Mỹ Lợi gìn giữ nên đầu năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế phối hợp với UBND xã Vinh Mỹ đã tổ chức lễ bàn giao các văn bản gốc này cho Bộ Ngoại giao. Buổi lễ được tổ chức trọng thể tại ngôi đình cổ trước sự chứng kiến đông đảo của nhân dân và lãnh đạo các cấp. Không những có công lao trong việc gìn giữ tư liệu, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, người dân Mỹ Lợi còn anh dũng, kiên cường chiến đấu để bảo vệ căn cứ địa cách mạng. Bằng chứng là Mỹ Lợi có 128 hộ gia đình được công nhận có công với nước; 131 anh hùng, liệt sĩ... Với những hy sinh và sự đóng góp to lớn ấy nên Mỹ Lợi đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đình làng Mỹ Lợi
Tiếp nối truyền thống cách mạng, sau ngày đất nước thống nhất, người dân Mỹ Lợi thi đua, tăng gia sản xuất, góp sức xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới. Theo thống kê của UBND xã Vinh Mỹ, hiện Mỹ Lợi có khoảng 1.552 hộ dân, với 6.500 khẩu, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực ngư, nông nghiệp và thương mại dịch vụ với thu nhập bình quân đạt 11 triệu đồng/người/năm. Dẫn chúng tôi ra vùng cát, nơi mà bà con ngư dân đang tiến hành nuôi tôm thẻ chân trắng, với tổng diện tích khoảng 18ha, lão ngư Lương Hoài Thông (61 tuổi, trú làng Mỹ Lợi) không giấu được niềm vui cho biết: “Ngoài các mô hình như nuôi tôm trên cát, nuôi cá chình, bồ câu Pháp... đem lại hiệu quả kinh tế cao thì hiện thôn Mỹ Lợi có khoảng 110 hộ dân có tàu thuyền phục vụ hoạt động đánh bắt gần và xa bờ.
Những ngày này, nghe thông tin Trung Quốc đặt giàn khoan và có nhiều hành động gây hấn trên vùng biển Việt Nam, bà con ngư dân ở đây bức xúc dữ lắm. Dù vậy nhưng bà con vẫn quyết tâm bám biển để giữ gìn lãnh hải của Tổ quốc, đúng với lời dạy của cha ông ngày trước khi căn dặn dân làng phải bảo vệ bằng được những tư liệu quý của triều Nguyễn để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của nước Việt Nam mình!".