Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 19.710
Hồi sinh những làng nghề dệt zèng truyền thống A Lưới
Lượt đọc: 81993Thời gian: 09:42 - 16/10/2016
Ảnh: Thanh niên

(VHH) - Những năm trở lại đây, với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, ý thức gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tà Ôi, nghề dệt zèng đã vượt qua nguy cơ mai một và hiện nay đang có sự hồi sinh trở lại. Đây là tín hiệu vui cho làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa phát huy được giá trị văn hóa vừa mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống của người dân địa phương.

Từ bao đời nay, sản phẩm zèng luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện miền núi A Lưới. Trong lao động sản xuất đến những sinh hoạt văn hóa, lễ hội, sản phẩm zèng được xem là của cải và một phần là sự trang trí hay lễ vật. Cũng chính vì loại thổ cẩm này được đồng bào Tà Ôi sản xuất, xem trọng và sử dụng rộng rãi nên zèng là một trong những sản phẩm biểu trưng cho các giá trị văn hóa truyền thống cả cộng đồng dân tộc Tà Ôi.

Ngay trong các dịp lễ hội, zèng trở thành một phần nghi lễ. Già làng A Hưa, xã Nhâm Viên A Pưa cho rằng zèng đóng một vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa đồng bào A Lưới. Zèng là lễ vật cúng tế, thể hiện lòng tôn kính đối với thần linh.

Ảnh: CAND

Trong những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với huyện A Lưới triển khai có hiệu quả các dự án khôi phục nghề dệt zèng của đồng bào Tà ôi. Hiện nay, tại các địa phương có nghề dệt zèng truyền thống đều đã hình thành các hợp tác xã, các tổ sản xuất, tiêu biểu như ở các xã: A Ngo, Nhâm, A Roàng, A Đớt, thị trấn A Lưới. Các hình thức sản xuất này đã tạo ra nhiều việc làm cho đồng bào Tà Ôi và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Đây là hình thức để bảo tồn và phát huy giá trị của zèng một cách hiệu quả, bởi thông qua hoạt động của các hợp tác xã, các tổ sản xuất đã thu hút sự tham gia tích cực của những người uy tín trong cộng đồng. Các nghệ nhân và con em đồng bào các dân tộc Tà Ôi tham gia truyền dạy và học nghề dệt zèng.

Nghệ nhân Mai Thị Hợp cho biết rằng: Từ năm 2012 khi bắt đầu thành lập hợp tác xã, đây là nơi các chị em ở địa phương có điều kiện để truyền dạy nghề, kinh nghiệm sản xuất, đồng thời sản xuất ra các mặt hàng truyền thống và các mặt hàng hiện đại để phục vụ nhu cầu xã hội, tăng thu nhập cho người dân.

Mỗi sản phẩm tinh túy được tạo ra từ zèng là sự kết tinh của trí tuệ, sức sang tạo qua lao động, sản xuất và mang những giá trị biểu trưng do phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của cả cộng đồng dân tộc Tà Ôi.

Ảnh: DLVN

Nếu như trước đây, những sản phẩm zèng được sản xuất ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong đời sống hàng ngày của người dân, thì nay dệt zèng A Lưới đã được sử dụng rộng rãi để tạo ra những sản phẩm hàng hóa lưu niệm, phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Trong tháng 5/2016, 2 làng A Hưa và A Đớt - những địa phương đang duy trì có hiệu quả nghề dệt zèng trên địa bàn huyện A Lưới đã được UBND tỉnh công nhận là 2 làng nghề truyền thống của tỉnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Phương hướng sắp tới, huyện A Lưới sẽ tập trung quan tâm đầu ra cho sản phẩm bằng cách giảm sức lao động trong sản xuất để sản phẩm rẻ hơn. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền cho người dân, cán bộ, viên chức, công chức sử dụng thường xuyên các trang phục truyền thống; vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa tạ đầu ra cho sản phẩm. Huyện cũng sẽ nghiên cứu, quan tâm chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân liên quan đến nghề dệt zèng; để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt liên quan đến nghề dệt zèng trong thời gian sắp tới.

Hiện nay, UBND huyện A Lưới cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu tập thể cho sản phẩm dệt zèng A Lưới. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa dệt zèng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nếu được công nhận sẽ là yếu tố quan trọng đối với công tác bảo tồn, phát triển nghề dệt zèng của đồng bào các dân tộc Tà Ôi trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, nhất là giúp đồng bào gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.

Theo Thanh Hải - Văn Hiếu (TRT)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL