Giữ con “trong chuồng”
“Nhà báo ngồi đi, đừng ngại”. Ông Đoàn Minh Liệt, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã A Ngo cất tiếng khi tôi đang chăm chú nhìn những hành động, nét mặt, cử chỉ của người con trai thứ 3 của bà Kăn Đa, ở thôn Pâr Nghi, xã A Ngo. Trước khi dẫn khách đi thăm các nạn nhân, ông Liệt bảo: “Nhà báo chuẩn bị tâm lý nhé!”. Thế nhưng đến đây tôi hoàn toàn bất ngờ trước những nỗi đau quá lớn về thể xác và tâm hồn của họ. Con trai bà Kăn Đa là nạn nhân chất độc da cam bị bệnh mất trí, bà đành nuốt nước mắt nhốt anh trong một khung gỗ rộng khoảng 4m2, vì sợ anh bỏ nhà đi.
Ông Đoàn Minh Liệt bảo: Bà Kăn Đa có 5 người con, đứa con đầu bị dị dạng, đứa con trai thứ hai bị bệnh máu trắng đã qua đời, thằng thứ ba thì trong cũi gỗ đó, con gái thứ tư thì bị câm điếc. Ngoài ra, một đứa cháu gái của bà cũng bị thiểu năng trí tuệ, sống đời thực vật, là con của người con trai thứ hai bị bệnh máu trắng đã qua đời ! Riêng chồng của bà là người tham gia kháng chiến, ông đã mất vì những cơn bệnh do chất độc da cam hành hạ.
Cùng xoa dịu nỗi đau
Xã A Ngo là một trong những địa phương của A Lưới có số người bị phơi nhiễm chất độc da cam tương đối lớn, với hằng trăm nạn nhân. Phần lớn những người bị nhiễm chất độc da cam đều thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, họ bị mất sức lao động, không được học hành, không có nghề nghiệp, sống dựa vào cộng đồng và xã hội…
Trước tình hình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã thường xuyên tổ chức vận động cộng đồng xã hội tích cực giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động gia đình và các nạn nhân không mặc cảm số phận, biết vượt lên chính mình để hòa nhập cuộc sống.
A Ngo đã xây dựng chương trình, kế hoạch vận động tạo nguồn hỗ trợ về tài chính và các cơ sở vật chất cho nạn nhân. Hằng năm, xã tổ chức sơ kết phong trào thi đua tập trung vào các nội dung như chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, các kiến nghị đối với chế độ chính sách cho nạn nhân, động viên nạn nhân vượt qua mặc cảm tự ti, đoàn kết giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống…
Chủ tịch UBND xã A Ngo Nguyễn Đức cho hay: Địa phương thường xuyên rà soát để đảm bảo 100% các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hằng năm đều được khám chữa bệnh kịp thời. Hiện tại, địa phương đang vận động các cơ quan, đơn vị, ban, ngành trên địa bàn hỗ trợ, giúp đỡ cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam. Trước tiên là các hoạt động trao tặng quà trong các dịp kỷ niệm, lễ, Tết…, tiến đến giúp đỡ các gia đình nạn nhân vươn lên thoát nghèo như tập huấn về hạch toán chi tiêu, hỗ trợ kỹ thuật, vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng…
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, xã A Ngo đã hỗ trợ cho 22 hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam phát triển các mô hình chăn nuôi dê, nuôi heo với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.