Tham dự hội nghị, tại cầu truyền hình trực tuyến diễn ra ở Hà Nội có Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; cùng lãnh đạo một số Cục, Vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Tham dự hội nghị trực tiếp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có đồng chí Phan Quý Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Toni Eliasz - Chuyên gia cao cấp về Phát triển số, Ngân hàng Thế giới; cùng các diễn giả trong và ngoài nước; đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các Sở, ban, ngành liên quan; đại diện các trường đại học, cơ sở đào tạo và một số doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông.
Hành động vì Năm dữ liệu số quốc gia
Năm 2023 là Năm dữ liệu số quốc gia ở Việt Nam. Dữ liệu là yếu tố đầu vào mới, quan trọng nhất và vô tận, là động lực mới thúc đẩy chuyển đổi và phát triển kinh tế, là phương thức mới để nâng cao năng lực quản lý, là cơ hội mới.
Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam đang có những nền tảng tốt và đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển dữ liệu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chúng ta cũng nhận thấy những hạn chế và khó khăn chung. Việt Nam muốn tạo ra lợi thế cạnh tranh mới, thì phải nắm bắt cơ hội phát triển dữ liệu và nâng cao năng lực trí tuệ nhân tạo”. Qua đó, Thứ trưởng đã chia sẻ một số nội dung mang tính định hướng để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu cùng nhau hành động: Đó là cần tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị mới của dữ liệu, hoàn thiện môi trường pháp lý để tạo điều kiện kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở hiệu quả, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số quốc gia; Xây dựng danh mục tài nguyên dữ liệu trong các ngành để thúc đẩy tích hợp, phát triển và sử dụng dữ liệu liên ngành, liên cấp, liên khu vực tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới. Thực hiện một cách có hệ thống việc chia sẻ và mở dữ liệu công khai, tích tụ dữ liệu, tích hợp trung tâm dữ liệu, tạo ra các hệ sinh thái dữ liệu mở. Đẩy mạnh phân loại, quản lý phân cấp dữ liệu, chia sẻ, sử dụng bảo mật dữ liệu, thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành về năng lực bảo mật dữ liệu. Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu thập dữ liệu trong toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển, sản xuất, vận hành và dịch vụ. Phát huy đầy đủ vai trò của các doanh nghiệp hàng đầu với tư cách là chủ thể nghiên cứu và phát triển dữ liệu. Các doanh nghiệp lớn chia sẻ cung cấp dữ liệu, thuật toán, sức mạnh tính toán và các tài nguyên khác cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng chia sẻ, đóng góp và hợp lực để nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương và song phương để hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ, đưa các sản phẩm công nghệ trí tuệ nhân tạo Việt Nam ra nước ngoài.
Ông Toni Eliasz - Chuyên gia cao cấp về Phát triển số, Ngân hàng Thế giới chia sẻ về dữ liệu mở động lực tăng trưởng kinh tế
Hội nghị được diễn ra với 03 phiên: Chính sách dữ liệu mở, Dữ liệu mở cho Trí tuệ nhân tạo và Kế hoạch hành động về dữ liệu mở. Tại các phiên của Hội thảo, các bộ, ban, ngành và địa phương đã nhận được sự tham vấn từ các chuyên gia và nhà khoa học về tác động của dữ liệu mở tới tăng trưởng kinh tế, xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong triển khai, đánh giá, đo lường dữ liệu mở. Thảo luận về chính sách, cơ hội và thách thức dữ liệu mở ở các địa phương tại Việt Nam; trao đổi về các hiểu biết trong việc tối đa hóa giá trị của dữ liệu mở nhằm thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư phục vụ phát triển AI tại Việt Nam. Qua đó nhằm trao đổi, nhận định về vai trò của dữ liệu mở và xu thế phát triển AI trên thế giới, từ đó xác định các thách thức, đề ra các hành động cụ thể để phát triển dữ liệu mở, đẩy nhanh phát triển và ứng dụng AI tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Dữ liệu mở và AI tỉnh Thừa Thiên Huế: Nhiều kết quả tích cực
Trong những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn coi việc xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính phủ số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngay từ năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và công bố Hệ thống dữ liệu mở của tỉnh. Đến nay, Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 111 bộ dữ liệu được công bố thuộc các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông,… với 11/32 cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết: “Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế đã đem lại cho địa phương rất nhiều lợi ích như: Giúp tập hợp, quản lý dữ liệu một cách khoa học và hiện đại; hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước về các chỉ số kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; hỗ trợ cho việc phát triển chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế; tăng cường sự tham gia và giám sát của người dân, tổ chức, doanh nghiệp,… vào các hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương.”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương phát biểu tại hội nghị
Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo để làm cho dữ liệu thông minh hơn, phục vụ đắc lực nhiệm vụ quản lý, điều hành của lãnh đạo tỉnh, cụ thể như: triển khai Bản đồ số, báo cáo số phục vụ theo dõi thông tin, dữ liệu, phân tích, đánh giá hỗ trợ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; triển khai camera trí tuệ nhân tạo giám sát, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội; theo dõi các thông số môi trường không khí, môi trường nước theo dõi công trình, hồ đập thủy lợi; giám sát phương tiện ra vào tỉnh trong công tác phòng chống dịch COVID-19,…
Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19, hệ thống camera áp dụng trí tuệ nhân tạo tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh đã giám sát hơn 3 triệu lượt phương tiện ra, vào tỉnh, phát hiện và chuyển các đơn vị tuần tra, Kiểm soát xử lý gần 16 ngàn lượt phương tiện vi phạm phòng chống dịch, 4.500 lượt phương tiện vi phạm an toàn giao thông,.. góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch của địa phương.
Nhờ những kết quả tích cực đó mà trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu trong việc phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Tọa đàm về cơ hội và thách thức chia sẻ và mở dữ liệu tại địa phương
Tại phiên tọa đàm về cơ hội và thách thức chia sẻ và mở dữ liệu tại địa phương, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố đã chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn về triển khai dữ liệu mở tại địa phương. Trước hiện trạng và khó khăn mà các địa phương nêu ra, các chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra các khuyến nghị cho các địa phương trong cách tham vấn người sử dụng dữ liệu; nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số, việc đo lường tác động của dữ liệu số, giá trị của dữ liệu mở; đội ngũ năng lực mới trong cơ quan nhà nước có đầy đủ các yếu tố để hợp tác với các doanh nghiệp, kết hợp với các chuyên gia phân tích dữ liệu.
Một số hình ảnh tại hội nghị: