Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 24.142
Giới thiệu sách mới Văn thư - Đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Lượt đọc: 2148Thời gian: 15:05 - 05/01/2023

(VHH) - Trong năm 2022, nhằm thực hiện kế hoạch "Sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tài liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 - 2024”, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã thực hiện biên soạn và cho ra mắt cuốn sách mới Văn thư - Đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Sách do NXB Thuận Hóa ấn hành cuối tháng 12 năm 2022, khổ 21 x 30cm, dày 456 trang, đóng bìa cứng. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của Thư viện trong thời gian qua và là một phần kết quả của chương trình sư tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Để giới thiệu đến bạn đọc sơ lược về cuốn sách này, Chuyên trang Trang thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao trân trọng đăng lời giới thiệu sách của TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao.

LỜI GIỚI THIỆU                       

Xứ Thuận Hóa nói chung, Cố đô Huế nói riêng được xem là vùng đất “phên dậu” của Đại Việt từ thời Lý, Trần, Hồ, Lê, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1636 - 1775), rồi kinh đô của 2 vương triều Tây Sơn (1788 - 1801) và triều Nguyễn (1802 - 1945). Bởi vậy, xứ sở này đã có sự giao thoa, hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng độc đáo. Trong đó, di sản Hán Nôm là nguồn di sản đặc trưng của mảnh đất xứ Thần kinh.  Di sản Hán Nôm là thông điệp quan trọng bằng ngôn ngữ viết để kết nối giữa quá khứ với hiện tại, là tư liệu quan trọng giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn lịch sử - văn hóa của dân tộc. Tiếc rằng trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc và thời tiết khắc nghiệt, di sản Hán Nôm tại Thừa Thiên Huế, nhất là đối với các nguồn tư liệu giấy đã và đang dần bị thất thoát, mất mát, hư hỏng khá nghiêm trọng. Vì vậy đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản quý giá này một cách có hiệu quả là việc làm hết sức cần thiết, góp phần thiết thực để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm văn hóa đặc sắc, một đô thị di sản đặc thù của Việt Nam.

Trong khuôn khổ Chương trình sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế và Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh phối hợp triển khai từ năm 2009 đến năm 2020, và thực hiện Kế hoạch Sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tài liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2024 (theo Quyết định số 508/QĐ-UBND ngày 21/02/2020 của UBND tỉnh), nhóm nghiên cứu đã điền dã khảo sát và số hóa khoảng hơn 500.000 trang tư liệu Hán Nôm, gồm: Sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, bằng cấp, gia phả, văn thư - đơn từ, địa bạ, hương ước, văn cúng... Từ việc khai thác kết quả của công tác sưu tầm số hóa di sản Hán Nôm này, chúng tôi đã tiến hành biên soạn, dịch thuật và in ấn một số công trình như: Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế (2018), Sắc phong, chế phong, chiếu thời Nguyễn tại Thừa Thiên Huế (2020), Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại Thừa Thiên Huế (2021). Các công trình nghiên cứu này đã được các nhà khoa học cùng độc giả đánh giá cao về mặt học thuật cũng như chất lượng nội dung. Tiếp nối sự thành công này, chúng tôi dành rất nhiều công sức và tâm huyết để tiến hành tổ chức biên soạn, tuyển dịch và ấn hành cuốn sách Văn thư - đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm giới thiệu nội dung của 205 văn thư - đơn từ, trong đó có văn thư của các quan chức triều chúa Nguyễn, Tây Sơn, triều Nguyễn truyền đạt xuống các làng về một vụ việc cụ thể, dưới đủ loại tên gọi quan phương ngày xưa như thị, truyền, phó, chiếu, chỉ, dụ... và đơn từ của các làng xã gửi lên các cấp chính quyền: huyện, phủ, triều đình. Trên thực tế, trong nhiều làng xã, gia đình, dòng họ xứ Huế vẫn còn đang lưu giữ và bảo quản nhiều văn thư - đơn từ rất có giá trị nhưng vẫn chưa được điều tra khảo sát, số hóa nên số lượng có thể còn cao hơn nhiều.

Cuốn sách này thuộc thể loại sách tra cứu, giới thiệu các văn thư - đơn từ tiêu biểu được lựa chọn sắp xếp và hệ thống hóa theo thứ tự các làng xã tại Thừa Thiên Huế gồm những ký hiệu nơi đang lưu trữ: TTH.HN (Lưu trữ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế). Mỗi văn thư - đơn từ đều ghi rõ xuất xứ, ký hiệu tra tìm, thời gian và dịch nghĩa nội dung, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng tra cứu, đồng thời thể hiện tính xác thực của nguồn tư liệu. Nếu có một trường hợp không may xảy ra hỏa hoạn, hoặc thiên tai làm mất đi bản gốc của các văn bản Hán Nôm này, thì chúng ta vẫn có cơ sở vững chắc để phục chế lại, hơn thế, đây cũng chính là cách bảo quản, lưu trữ mang tính lâu dài, bền vững và hiện đại cho thế hệ mai sau. Có thể nói, Văn thư - đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế là ấn phẩm đầu tiên trong cả nước giới thiệu về các văn bản hành chánh của các cấp chính quyền, từ chiếu chỉ, thị phó của triều đình, của công đồng, của các bộ và phủ Thừa Thiên, cũng như của các huyện tống đạt xuống các cá nhân, các làng. Và các đơn từ của các cá nhân, họ tộc, làng xã gửi lên triều đình hay các huyện, phủ Thừa Thiên, hoặc các bộ để trần tình, kêu oan, hay trông chờ cứu xét. Trong đó bao gồm các giai đoạn lịch sử thời chúa Nguyễn, Tây Sơn, triều Nguyễn và cả giai đoạn Pháp bảo hộ.

Chúng tôi mong rằng, cuốn sách này sẽ là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích, có giá trị cho các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm về văn hóa làng xã xứ Huế. Đặc biệt cuốn sách còn đề cập đến Tờ phó của Tuần quan cửa Biện vào niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 20 (1759) xử lý một vụ kiện giữa phường Mỹ Toàn (làng Mỹ Lợi) và phường An Bằng (làng An Bằng) về việc nộp thuế vỏ tàu khai thác sản vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa. Văn bản này cho thấy, từ thời Lê, Việt Nam đã có đội Hoàng Sa chuyên trách quản lý và khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa. Đây là một tài liệu quý giá, có giá trị về mặt lịch sử, pháp lý, cả ở tầm quốc gia và quốc tế, khẳng định một cách chắc chắn Hoàng Sa là của Việt Nam. 

Với mong muốn đem đến một sản phẩm khoa học nghiêm túc, chính xác, dễ tra cứu; chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách Văn thư - đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được các nhà nghiên cứu cùng đông đảo bạn đọc đón nhận.

Trong quá trình biên soạn, mặc dù đã đầu tư khá nhiều thời gian và công sức, nhưng cuốn sách chắc chắn không thể tránh khỏi ít nhiều sai sót ngoài ý muốn. Vì thế, chúng tôi rất mong nhận được sự thông cảm và những ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học và độc giả, để chúng tôi có thể lắng nghe và sửa chữa hoàn thiện trong những lần tái bản. Nhân dịp cuốn sách Văn thư - đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế được xuất bản, tôi biểu dương Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã chủ động, nỗ lực hết mình trong việc tổ chức biên soạn ấn phẩm này.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách đến quý độc giả. 

thuvien.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL