Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 22.731
Phong Điền với công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa
Lượt đọc: 1874Thời gian: 09:26 - 03/02/2023
CHÙA GIÁC LƯƠNG, XÃ PHONG HIỀN

Di sản văn hóa là sản phẩm văn hoá tinh thần, vật chất của xã hội loài người và các di vật tiêu biểu, vật mẫu của giới tự nhiên có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong di sản văn hoá bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và vật thể: là sản phẩm văn hoá tinh thần có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học. Đối với huyện Phong Điền, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc,  người dân Phong Điền đã góp phần viết lên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Những trang sử vẻ vang đó còn đọng lại trong hệ thống các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn, giữ gìn cho tới ngày nay.

Xác định di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ cha ông ta để lại cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, là phần hồn của nền văn hóa dân tộc. Di sản văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, còn là phương tiện để giới thiệu về hình ảnh địa phương cho các du khách trong và ngoài huyện, tạo tiền đề cho các chiến lược phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của huyện nhà. Những năm qua, huyện Phong Điền đã có những giải pháp tích cực giữ gìn và phát huy các giá trị, di tích lịch sử văn hoá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IX (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.

Có thể nói, huyện Phong Điền, là mảnh đất với bề dày nghìn năm văn hiến cùng với truyền thống văn hóa lâu đời đã sản sinh và giữ gìn nhiều di tích lịch sử văn hóa quý báu của nhân loại. Đó chính là tài sản vô cùng quý báu của Phong Điền nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa của huyện Phong Điền là mảnh đất có bề dày lịch sử, gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất giàu truyền thống, là địa phương có chiều dài về văn hóa lịch sử, lại có bề dày về truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, nơi đây đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân nổi tiếng trong lịch sử của dân tộc như: Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Lộ Trạch, Trần Văn Kỷ,…. Ngoài những yếu tố trên, Phong Điền còn là nơi mang nhiều nét đặc trưng của văn hóa Huế, nằm trên đường Thiên lý Bắc Nam, những lễ hội văn hóa dân gian, phi vật thể được lưu truyền cho đến ngày nay như: múa Náp, múa Thiên Hạ Thái Bình, Lễ tế Kỳ Phước, Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội “Hương xưa làng cổ”,… và cũng là nơi có nền văn hóa Chăm pa nổi tiếng. Mỗi địa danh nơi đây đều mang dấu ấn của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, dấu ấn của nền văn hóa nghìn năm văn hiến.

Đến nay, trên địa bàn huyện Phong Điền có 21 Di tích lịch sử văn hóa được công nhận, trong đó có 07 Di tích cấp Quốc gia, 14 Di tích cấp tỉnh. Trong công tác quản lý Nhà nước về di tích, thực hiện phân cấp quản lý các loại hình di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn huyện trực tiếp quản lý các di tích lịch sử văn hoá. Trải qua các biến cố lịch sử, xã hội, sự bào mòn, hủy hoại của thiên nhiên nên phần lớn các di tích của huyện đã bị xuống cấp, đòi hỏi chúng ta phải có các biện pháp hữu ích để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa này. Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn huyện được áp dụng theo Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; triển khai có hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa trên địa bàn huyện Phong Điền giai đoạn 2022 - 2025”,… 

Sau khi được phân cấp quản lý, các ngành chức năng trên địa bàn huyện đã tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ các nội dung quy định, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giữ gìn, bảo tồn các giá trị di tích lịch sử văn hóa bằng các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp; trong đó chú ý tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và hành động của mỗi người về giữ gìn, bảo vệ các giá trị di tích lịch sử văn hoá, lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; giáo dục kỹ năng sống, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật và xây dựng môi trường sống lành mạnh; giữ vững và tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, đạo lý tốt đẹp của dân tộc tại địa phương.

Việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện quan tâm, cùng với kinh phí của Nhà nước đã huy động được các nguồn xã hội hóa đã đầu tư nâng cấp các di tích lịch sử như: Chùa Giác Lương (Phong Hiền), làng cổ Phước Tích (Phong Hòa), lăng mộ Nguyễn Lộ Trạch (Điền Môn),… Trong thời gian qua, với sự kết hợp của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý chuyên ngành, công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa của huyện Phong Điền đã có những chuyển biến tích cực. Từ việc tuyên truyền trong nhân dân pháp luật về di tích lịch sử văn hóa đến việc tổ chức thực hiện các khâu công tác chuyên môn như: kiểm kê, tư liệu hoá, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích ngày càng được mở rộng và nâng cao hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao kiến thức và năng lực quản lý di tích cho lực lượng ngành văn hóa đã được chú trọng,…

Có được những kết quả nêu trên là có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, của lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Phong Điền, sự nỗ lực trong việc triển khai và thực hiện của cơ quan quản lý chuyên ngành như Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, Bảo tàng Lịch sử tỉnh cùng ý thức của các tầng lớp nhân dân trong việc cùng chung tay giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa phục vụ sự phát triển của cộng đồng.

Việc quản lý nhằm giữ gìn những di sản văn hoá đó cho hôm nay và mai sau thể hiện sự biết ơn của chúng ta đối với bậc tiền nhân. Đó là những giá trị vô giá gắn liền với lịch sử oai hùng, truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, đó là những bằng chứng sinh động về lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc, đó cũng là thể hiện cụ thể lòng yêu nước của thế hệ hôm nay bằng ý thức giữ gìn, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta, lấy đó làm cội nguồn để phát huy trong quá trình xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện, thời gian tới Phong Điền cần huy động sức mạnh của toàn xã hội, tăng cường nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí của tỉnh và Trung ương thông qua các Chương trình mục tiêu Quốc gia đưa văn hóa về cơ sở, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm nêu cao các giá trị văn hóa hiện có, đồng thời tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, địa phương; các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức xã hội về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với những nội dung sau:

Thứ nhất, cần tiến hành kiểm kê, đánh giá tình trạng xuống cấp của từng loại di tích để có phương án sửa chữa, trùng tu, tôn tạo. Chú trọng ưu tiên đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi các di tích đã được xếp hạng có tiềm năng phát triển du lịch và đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân địa phương.

Thứ hai, tăng cường và nâng cao hiệu quả của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử  văn hóa, nhằm giáo dục truyền thống và phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm bảo vệ, không được xâm phạm đến di tích. Tuyên truyền sâu rộng Luật Di sản văn hóa, công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa đến nhân dân địa phương có di tích lịch sử văn hóa; chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch từ giá trị các di tích lịch sử văn hóa có trên địa bàn các xã, thị trấn. Thông qua phát triển du lịch để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử  văn hóa.

Thứ tư, phối hợp với cơ quan, ban, ngành chức năng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện; phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di tích lịch sử văn hóa. Gắn công tác thi đua khen thưởng với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích tới từng các cán bộ, đảng viên, tới địa phương có di tích lịch sử văn hóa.

Thứ năm, chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Tạo điều kiện để cán bộ văn hoá cơ sở tham gia các lớp tập huấn về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử  văn hóa do cấp trên tổ chức.

Thứ sáu, lồng ghép công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa với các chương trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn các xã, thị trấn theo hướng bền vững, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Thứ bảy, tăng cường xã hội hóa ngân sách, nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện để tôn tạo, tu bổ, sửa chữa các di tích lịch sử văn hóa; xây dựng công trình trên địa bàn, doanh nghiệp địa phương hỗ trợ thực hiện công tác tôn tạo, tu bổ, sửa chữa các di tích lịch sử văn hóa. Huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, nhất là nhân dân địa phương để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử  văn hóa,...

Các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Phong Điền được đầu tư, tôn tạo và phát huy những giá trị của nó sẽ đóng góp ngày càng tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững trên nhiều mặt: bộ mặt các di tích ngày càng được đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm và phát huy được các giá trị của di tích; yếu tố bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc sẽ tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, mọi tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về văn hóa trong giai đoạn mới; có sức mạnh lan tỏa không chỉ ở trong huyện mà ra cả bên ngoài nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời hướng tới xây dựng đời sống văn hóa mới, môi trường văn hóa mới. Các di tích lịch sử được đầu tư tôn tạo và phát huy sẽ trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài huyện cũng như khách quốc tế đến tham quan, qua đó tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, phấn đấu xây dựng huyện Phong Điền trở thành Thị xã trước năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy.

Khánh Trình (PĐ)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL