Các thế hệ cao niên của làng An Cựu vẫn lưu truyền chuyện kể về Nguyễn Khoa Chiêm - một vị đại thần thanh liêm, chính trực đã dâng biểu tấu trình và trực tiếp đứng ra phân xử sự thật về một vụ kiện tụng đất đai có nguy cơ dẫn đến đổ máu, chết người giữa các họ đồng tộc và các họ khai khẩn trong làng An Cựu. Kết quả, đã dàn xếp, hòa giải thấu tình, đạt lý được dân làng kính phục. Để cảm tạ công ơn của ngài, Hội đồng Hương trưởng và con dân làng An Cựu đã cắt tặng cho ngài 10 mẫu đất ruộng. Không nỡ từ chối tình nghĩa chân thành của dân làng, ngài chỉ xin nhận phần đất đồi (sau này trở thành nghĩa trang của dòng họ Nguyễn Khoa ở thôn Tứ Tây, phường Thuỷ An, thành phố Huế). Tuy không phải là người có công khai canh làng An Cựu, nhưng với công trạng đã công minh góp sức xây dựng tình đoàn kết của các họ tộc, ngài Nguyễn Khoa Chiêm được dân làng xếp vị trí thứ 10, trong 10 họ Chánh tôn được thờ ở Hiệp tự từ đường làng An Cựu và được dân làng tổ chức cúng tế chung vào ngày rằm tháng 8 hàng năm.
Đạo sắc vua Khải Định (năm thứ 10-1924), phong cho ông làm Tôn thần Dực bảo Trung hưng Linh phù có nội dung (tạm dịch): Sắc cho xã An Cựu, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên phụng thờ vị Tôn thần Tham chính Chánh doãn (đoán) sự Bảng trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm tướng công, từ lâu đã tỏ rõ linh ứng. Nay trẫm kế thừa mệnh lớn, nhớ nghĩ đến sự che chở của thần, nên trứ phong là Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần. Chuẩn cho phụng thờ, ngõ hầu Thần hãy che chở và bảo vệ dân ta!
Kính thay!
Ngày 11 tháng 9 năm Khải Định thứ 10
Nguyễn Khoa Chiêm là nhân vật theo gia phả của dòng họ Nguyễn Khoa và sách Đại Nam Liệt truyện tiền biên ghi rõ, Nguyễn Khoa Chiêm xuất thân từ một viên chức thấp (thủ hạp) nhưng ông lại là người thông minh, rất hay chữ lại thạo làm văn. Năm Tân Tỵ (1701) tức là năm thứ 10 đời Hiền Tông Hoàng Đế (chúa Minh Nguyễn Phúc Chu). Nguyễn Khoa Chiêm đã cùng văn chức Trần Đình Khánh theo các viên cai cơ ngoại tá Tôn Thất Diệu và nội hữu Tổng Phúc Tài đi Quảng Bình để đốc suốt các quân đắp chính luỹ. Canh Thìn năm thứ 19 (1710) ông được thăng chức Cai Hạp ở chính doanh kiêm tri bạ.
Nguyễn Khoa Chiêm được biết đến như một vị công thần phụng sự chính quyền chúa Nguyễn qua hai đời chúa. Là người có tài xuất chúng, đã có nhiều công lao trong việc phò chúa, giúp nước, giúp dân được chúa Nguyễn rất tin dùng. Đã từng giữ các chức vụ: Câu kê kiêm tri bạ, được dự bàn giúp việc quân cơ trong triều, Cai Bạ, phó đoán sự và chức Tham Chánh, Chánh đoán sự. Sau nghỉ việc quan ông ở nhà và mất vào ngày 6-3 năm Bính Thìn (1736), hưởng thọ 78 tuổi.
Di sản văn hóa Nguyễn Khoa Chiêm để lại là tác phẩm tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng “Nam triều công nghiệp diễn chí” còn gọi là “Trịnh Nguyễn diễn chí”. Bộ sách này gồm 2 tập, mỗi tập có 8 quyển, tổng cộng 30 hồi, phản ánh khá trung thực sự nghiệp khai phá Đàng Trong của các chúa Nguyễn bắt đầu từ Đoan quốc công Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ Thuận Hóa vào năm 1558 (Mậu Ngọ) và kết thúc khi chúa Nguyễn Phúc Trăn mất vào năm 1691 (Tân Mùi).
Hiện nay ở TP Huế có một con đường mang tên Nguyễn Khoa Chiêm nằm trên địa bàn phường An Tây với chiều dài khoảng 1.500m, dân gian vẫn thường gọi là đường Ngã tư Bánh Bèo.
Nguyễn Khoa Chiêm, một nhân vật lịch sử của một dòng họ khoa bảng, thế phiệt trâm anh ở Huế - dòng họ Nguyễn Khoa, người đã không quản ngại đứng ra bênh vực cho quyền lợi chính đáng cho cả một làng trong vụ kiện đất đai, lại được xếp vào ngồi trong chiếu của làng, được dân làng coi trọng như một người có công khai khẩn làng An Cựu, cao hơn được vua Khải Định trứ phong là Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần. Thật là một nhân vật hiếm có trong lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế.