Nổi tiếng là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, phong tục đón Tết đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người dân Huế với những hoạt động, lễ nghi mang đậm bản sắc dân tộc. Không khí tết tại nơi đây bắt đầu vào khoảng đầu tháng chạp. Đây cũng là dịp các chợ hoa ở Huế bắt đầu mở với hàng ngàn loài hoa đua nhau khoe sắc: từ mai vàng, hải đường, cúc vạn thọ đến huệ tây, thược dược, đồng tiền... tô điểm cho vùng đất cố đô thêm rực rỡ, mộng mơ.
Khác với những vùng miền khác, người Huế đón Tết theo cách riêng. Nói đến Tết ở vùng đất cố đô Huế là nói về những hoạt động mang tính lễ lượt, tâm linh và nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, vui xuân rất phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc vùng văn hóa Huế. Du xuân đất cố đô, du khách không nên bỏ qua những điểm đặc sắc nhất của Tết Huế như: chơi hoa tại chợ hoa tết bên bờ bắc sông Hương với hàng trăm loài hoa rực rỡ màu sắc; xem đua ghe truyền thống; thưởng thức ẩm thực ngày Tết xứ Huế và tham gia các lễ hội đầu xuân; Tranh thờ làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, bánh tét làng Chuồn...
Hoa giấy Thanh Tiên tràn ngập phố
Đến Huế trong những ngày Tết, ngoài những thú vui chơi, vãn cảnh, du khách sẽ còn trải nghiệm được nhiều điều thú vị khác nữa. Điển hình trong đó là nét độc đáo của phong tục đón tết tại Huế. Trong đó lễ nghi, cúng kiếng là phần quan trọng nhất, được các thế hệ người dân Huế duy trì thực hiện rất trang nghiêm, bài bản, với sự kính cẩn, thành tâm.
Khác với người dân Bắc, lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp của người Huế được tổ chức có vẻ đơn giản hơn, hay đơn thuần chỉ là ngày để thay bát nhang, quét dọn bàn thờ gia tiên. Cái không khí Tết thực sự cảm nhận được phải từ sau ngày 25 tháng Chạp, khi các phường hội thợ thuyền làm lễ cúng tổ nghề, cũng là lễ cúng tất niên. Đến 30 Tết, nhà nhà bắt đầu tục lệ dựng cây nêu và treo chuông khánh với tâm niệm để xua đuổi ma quỷ và là dấu hiệu để ông bà tổ tiên về ăn Tết.
Lễ cúng đêm giao thừa của người Huế chính là thời điểm gặp gỡ giữa con cháu và các thế hệ tổ tiên. Vào thời khắc thiêng liêng của lúc giao thoa đất trời, người Huế đặt bao nhiêu sự hy vọng vào một sự tốt đẹp của năm mới tốt lành và nhiều may mắn. Từ mùng một Tết trở đi, mỗi ngày đều phải có mâm cơm cúng ông bà, đến chiều mùng Ba Tết lại có mâm cỗ cúng đưa để tiễn ông bà. Mặc dù là một tục lệ từ lâu đời, rất phức tạp và cầu kỳ, nhưng việc cúng kiếng trong ngày Tết ở Huế có một ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với các thành viên trong gia đình, giúp các thành viên gần gũi nhau hơn, yêu trẻ, kính già, vui vầy, sum họp. Người Huế thường dành ngày mùng một để đi viếng mộ tổ tiên, thăm nhà thờ họ tộc, thăm ông bà, cha mẹ, chúc tết thầy dạy nghề, dạy chữ... Sang mùng hai, mùng ba mới tính đến chuyện viếng thăm đồng nghiệp, bằng hữu...
Đu tiên - Trò chơi dân gian hấp dẫn mọi vùng quê
Nói đến tết không thể không nói tới các trò chơi. Trò chơi dân gian của người Huế xưa cũng vô cùng đa dạng. Trò chơi tập thể có hội bài chòi, đu tiên, đua ghe, đấu vật... Sau này, đu tiên vắng bóng, bài chòi chỉ còn lại nơi thôn dã, nhưng hội đua ghe trên sông Hương và vật võ ở làng Sình (Phú Mậu, Phú Vang) vẫn được duy trì đều đặn…
Bên cạnh đó, ẩm thực là một nét đặc trưng văn hóa khi đến Huế dịp tết. Ngày Tết là ngày để người phụ nữ trong gia đình Huế trổ tài nữ công gia chánh. Với sự cầu kỳ và tỉ mỉ, các món ăn truyền thống trong ngày Tết như bánh tét, dưa món, tôm chua... và đủ các loại mứt, bánh ngọt như bánh in, mứt gừng, mứt dừa, mứt hạt sen, chè khoai môn,... đều được các mẹ, các chị tự làm. Những bếp lửa bập bùng trong tiết trời se lạnh, cả nhà cùng nhau ngồi quây quần bên nồi bánh. Cái không khí ấm cúng, đoàn viên, ngập tràn hạnh phúc gia đình ấy dễ gì mà quên được.
Tết Huế là thế, không ồn ào, tưng bừng như những nơi khác. Tết Huế vẫn giữ nguyên ý nghĩa thiêng liêng và tròn đầy. Tết đầm ấm, yên bình như chính những con người và vùng đất nơi đây. Tất cả đã tạo nên một bức tranh đầy màu sắc, một nét đẹp văn hóa đặc trưng nơi vùng đất kinh kỳ.