Năng động, sáng tạo và sẵn sàng với "trạng thái mới"
Kế hoạch phát triển KT- XH của tỉnh 5 năm, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra mục tiêu là xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; đến năm 2030 là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, năm 2021 là năm khởi động đầu nhiệm kỳ 2021-2025 với nhiều khó khăn, tập trung nguồn lực cho đầu tư khôi phục và phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh. Do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành phải năng động, sáng tạo và sẵn sàng với "trạng thái mới" trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện để phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại kỳ họp
Ngoài 13 chỉ tiêu cụ thể, 6 chương trình trọng điểm và các nhiệm vụ, giải pháp về kế hoạch phát triển KT- XH 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KT- XH. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả việc phòng chống dịch; xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả.
Đáng chú ý là tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; nghiêm túc thực hiện chủ trương cắt giảm tối đa chi thường xuyên, chi sự nghiệp không cấp bách, để ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch. Về sản xuất kinh doanh, phải bảo đảm an toàn cho công nhân lao động, người sản xuất tại các Khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy.. với mục tiêu cao nhất đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động, duy trì thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh...
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP, đồng thời kịp thời triển khai Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua về chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ưu tiên nguồn vốn cho dự án, công trình trọng điểm
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh, tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã xem xét thông qua 15 nghị quyết liên quan đến kế hoạch phát triển KT- XH của tỉnh. Trong đó nghị quyết về phát triển KT- XH giai đoạn 2021-2025 là nghị quyết đặc biệt quan trọng. “Vì vậy, tôi đề nghị UBND tỉnh bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ để thực hiện, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch phát triển KT- XH với kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, có những giải pháp mang tính đột phá, khả thi và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”- Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Về Kế hoạch phát triển KT- XH, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, cần lưu ý về các chính sách, biện pháp phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Về đầu tư công trung hạn 5 năm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu yêu cầu các cấp, các ngành tập trung rà soát, ưu tiên nguồn vốn đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, có sức lan tỏa cao, nhất là các dự án thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra giám sát. Đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đúng tiến độ.
Tại kỳ họp
Đồng chí Lê Trường Lưu khẳng định, các Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua đã kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Để thực hiện tốt các Nghị quyết của HĐND tỉnh, ngay sau kỳ họp này, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đề nghị Thường trực, các ban HĐND, đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với MTTQ các cấp tăng cường các hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết để các nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống.
“Trong thời gian qua dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp; xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể để vừa kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, vừa duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Lưu ý hạn chế những cuộc họp không cần thiết; chuẩn bị tốt các phương án dạy học, bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên bước vào năm học mới. Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Kịp thời động viên, khen thưởng, hỗ trợ cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh.