Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 4.343
Ứng xử trong gia đình: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ
Lượt đọc: 2784Thời gian: 09:45 - 26/05/2022

VHH - Dưới tác động tiêu cực của cơ chế thị trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo; một số giá trị đạo đức: hiếu nghĩa, thuỷ chung v.v…xuống cấp đã làm cho nhiều gia đình Việt Nam đứng trước nguy cơ bất ổn, tan vỡ, trực tiếp tác động đến hạnh phúc bền vững của gia đình. tình trạng ly hôn, ly thân,… có chiều hướng gia tăng, tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào gia đình đặc biệt gần đây xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

 

Dựa trên Hiến pháp, các bộ luật và hệ giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc ta, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và chính thức ban hành “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” kèm theo Quyết định 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28 tháng 01 năm 2022. Bộ tiêu chí được xây dựng khá khoa học, rõ ràng, dễ hiểu, vừa đáp ứng được đòi hỏi của thời đại hội nhập, vừa thể hiện được những giá trị truyền thống. Mục đích của Bộ Tiêu chí ra đời nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.

Tiêu chí ứng xử được áp dụng cho các thành viên trong gia đình (theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13) bao gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại.

Các tiêu chí ứng xử chung áp dụng đối với mọi thành viên trong gia đình bao gồm: “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ”. Để cụ thể hơn, Bộ tiêu chí đặt ra các tiêu chí riêng cho các mối quan hệ trong gia đình. Cụ thể, giữa vợ, chồng phải chung thủy, tình nghĩa. Vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính. Tạo điều kiện giúp đỡ nhau lựa chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Những nguyên tắc ứng xử này là những quy định mà các thành viên trong gia đình cần tuân theo nhằm duy trì cho gia đình hoạt động theo một nề nếp nhất định. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chuẩn mực cho mỗi hành vi của các thành viên trong gia đình, không chỉ giúp các thành viên trong gia đình điều chỉnh được những hành vi của mình mà còn giúp mọi người biết cách tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu theo nguyên tắc "Gương mẫu, yêu thương". Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói. Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con, cháu, giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong… Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình… Anh chị em trong gia đình phải hòa thuận, chia sẻ. Anh chị em tôn trọng bảo nhau điều hay lẽ phải. Cùng chia sẻ với nhau công việc chung trong gia đình, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn…

Trong bối cảnh tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng, đặc biệt, một số vụ án xảy ra trong gia đình, bạo hành con riêng của vợ, chồng… cho thấy bộ Tiêu chí ứng xử ứng xử trong gia đình thực sự cần thiết. Bộ tiêu chí được nhiều người kỳ vọng sẽ thay đổi được hành vi, nâng cao văn hóa ứng xử trong gia đình. Tuy nhiên, thực tế đặt ra là làm thế nào để những quy định trong bộ Tiêu chí này đến được với từng gia đình, từng thành viên để thực sự phát huy được hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Ngoài các biện pháp như tuyên truyền qua báo chí, truyền hình, mạng xã hội thì việc thông qua các nhóm, hội, đoàn thể như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội hưu trí, các CLB Phòng chống bạo lực gia đình, CLB gia đình hạnh phúc, CLB phòng chống tệ nạn xã hội… cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đa dạng về hình thức, phong phú, sinh động về nội dung. Gắn bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình với các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hoá.

Thu Mỹ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL