Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 11.847
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh
Lượt đọc: 3052Thời gian: 16:02 - 06/06/2023

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) gắn liền với vùng đất Huế và triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh: Nhã nhạc cung đình Huế (Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại); Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại); Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (Di sản tư liệu thế giới) và 3 DSVHPVT đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống ADaKoonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô (2019)

Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị đối với 3 di sản tư liệu thế giới: Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện có hiệu quả thông qua việc chủ động phối hợp với các cơ quan hiện đang lưu trữ Mộc bản, Châu bản để tổ chức các đợt triển lãm, trưng bày các di sản tư liệu trên tại không gian của Hoàng cung Huế; hợp tác với UNESCO đổi mới và mở rộng các hình thức quảng bá, tuyên truyền nhằm giới thiệu đến với công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, hiểu được giá trị nội dung, ý nghĩa của tư liệu.

Cùng với đó, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã hợp tác với Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh triển khai dự án “Sưu tầm, số hóa tài liệu Hán - Nôm làng xã và tư gia ở Thừa Thiên Huế”. Dự án đã tiến hành kiểm kê, sưu tầm, số hóa hơn 220 nghìn trang tư liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; phục chế nhiều sắc phong bị hư hỏng và sưu tầm những sắc phong gốc của các làng ở Thừa thiên Huế bị thất lạc để trao tặng lại cho các làng gìn giữ, thờ phụng.

Tính đến tháng 3 năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 40 nghệ nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú, trong đó, có 9 Nghệ nhân Nhân dân (6 Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ và 3 Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tôn vinh theo Nghị định 123/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ) và 31 Nghệ nhân Ưu tú (20 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ và 11 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tôn vinh theo Nghị định 123/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ). Cùng với đó, có 41 nghệ nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Thừa Thiên Huế.

Trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện các cơ chế, chính sách đãi ngộ chung của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã dành sự quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao đời vật chất và tinh thần cho các văn nghệ sĩ. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang chỉ đạo việc triển khai xây dựng, rà soát những vấn đề liên quan đến quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (trong đó, đối tượng được hưởng chính sách có các nghệ nhân) để lấy ý kiến các Bộ, Ngành trung ương trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua trong thời gian tới.

Thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân công trách nhiệm giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp triển khai thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước về lễ hội trên địa bàn tỉnh và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Hầu hết các lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh đều đúng với quy định, trang trọng, đúng với nghi lễ truyền thống. Chính quyền cấp huyện, cấp xã và cộng đồng dân cư địa phương nơi diễn ra lễ hội đã chú trọng điều chỉnh, sắp xếp và tham gia các hoạt động dịch vụ diễn ra trong dịp lễ hội theo hướng an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nhu cầu của người tham gia lễ hội. Các loại hình dịch vụ ăn nghỉ được cải tiến, đa dạng và chất lượng phục vụ được nâng cao, cùng với đó là việc xây dựng nếp sống văn hóa trong ứng xử của người dân địa phương góp phần tạo ra môi trường thân thiện, an toàn, hấp dẫn cho du khách tham gia lễ hội ở Thừa Thiên Huế. Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang triển khai thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế” nhằm mục tiêu hình thành nên cơ sở dữ liệu về lễ hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tiến tới thực hiện số hóa dữ liệu về lễ hội phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống lễ hội đặc sắc của địa phương.

N.V. Minh Tú
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL