Thực hiện Chương trình phối hợp số 577/CTr-SGDĐT-SVHTT ngày 12/4/2019 giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Văn hóa và Thể thao về việc đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho học sinh, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai hiệu quả Chương trình đưa di sản nghệ thuật Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào trường học. Từ năm 2019 đến năm 2022, đã tổ chức 03 lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận hát Ca Huế cho 113 giáo viên bộ môn Âm nhạc của 100 trường Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi hoàn thành khóa tập huấn hát Ca Huế, các giáo viên Âm nhạc đã đưa Ca Huế vào dạy lồng ghép trong chương trình môn Âm nhạc để giới thiệu, truyền dạy cho các em học sinh các cấp học. Đối với cấp học mầm non, các trường đã đưa các làn điệu Ca Huế vào giảng dạy qua các hoạt động dạy hát cho trẻ (Lý Ngựa ô, Lý Chiều chiều, Hò Ru con…). Các trường đã tổ chức liên hoan “Bé với làn điệu dân ca Huế” được đông đảo phụ huynh đồng tình, ủng hộ. Đối với cấp Tiểu học, các giáo viên đã lựa chọn nội dung các làn điệu Ca Huế để đưa vào giảng dạy môn Âm nhạc lớp 4,5 (2 tiết/lớp) với nội dung “Dân ca địa phương”; đối với các lớp 1,2,3, trong kế hoạch dạy học môn Âm nhạc có các tiết dạy về dân ca, giáo viên đã tích hợp nội dung các làn điệu Ca Huế đưa vào giảng dạy. Đối với cấp Trung học cơ sở, các trường đã đưa Ca Huế vào tiết Âm nhạc địa phương của môn học Âm nhạc lớp 7,8,9 theo Chương trình GDPT 2006 (các bài bản như: Mười bản Ngự, Hành vân, Tương tư khúc, Nam ai, Nam bình, Nam xuân, Quả phụ…). Chương trình đưa di sản nghệ thuật Ca Huế vào trường học không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát Ca Huế mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng bài bản; từ đó, giúp các em biết trân trọng, yêu quý di sản Ca Huế.
Ngoài Chương trình đưa di sản nghệ thuật Ca Huế vào trường học, việc tổ chức cho học sinh tham quan, học tập tại các bảo tàng là một trong những nhiệm vụ được triển khai thường xuyên, hiệu quả trong thời gian qua. Các bảo tàng thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức trưng bày; chú trọng đầu tư, nghiên cứu, tiếp cận nội dung trưng bày, triển lãm, tuyên truyền theo hướng hiện đại, sử dụng các giải pháp mỹ thuật, phương tiện, chất liệu và hình thức trưng bày, triển lãm, tuyền truyền mới tạo được ấn tượng tốt, giúp cho các em học sinh tiếp thu được kiến thức từ thực tiễn sau mỗi hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm. Xây dựng hệ thống thuyết minh tự động bằng công nghệ quét mã QR; đẩy mạnh số hóa và chuyển đổi số, xây dựng bảo tàng ảo (3D) trên môi trường mạng để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của các em học sinh.
Các bảo tàng đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm chuyên đề, tuyên truyền lưu động phục vụ các đối tượng học sinh. Bảo tàng Lịch sử tổ chức thành công các cuộc thi Rung chuông vàng, cuộc thi tìm hiểu về các sự kiện lịch sử, di tích lịch sử văn hóa hay các danh nhân, nhà hoạt động cách mạng, anh hùng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước; các cuộc tuyên truyền lưu động với chủ đề “Em yêu lịch sử quê hương”; phối hợp với các trường phổ thông trên địa bàn có di tích tổ chức các hoạt động chăm sóc di tích, nâng cao ý thức của các em học sinh về truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, về việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản quý báu của cha ông.
Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tổ chức thường xuyên các hoạt động thi kể chuyện, hùng biện, thi tìm hiểu theo hình thức sân khấu hóa, chiếu phim tư liệu, triển lãm hình ảnh, hiện vật về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức các hoạt động khám phá tại các di tích, học sinh đến tham gia được trải nghiệm nhiều hoạt động bổ ích như: viết thư pháp, têm trầu, vẽ tranh, tô màu, đọc sách, viết cảm nghĩ, trò chơi vận động tìm hiểu về chủ đề Bác Hồ…. thu hút hàng ngàn lượt học sinh hào hứng tham gia. Từ năm 2019 đến 2022, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã đón 340 đoàn đến kết nạp Đoàn, Đội; 45 đoàn đến phát thưởng và cấp giấy chứng nhận cháu ngoan Bác Hồ; 2.220 đoàn học sinh đến dâng hoa, báo công; 278 đoàn xem phim tư liệu tại Bảo tàng và các điểm triển lãm, tuyên truyền lưu động; 164 đoàn đến sinh hoạt ngoại khóa tại Bảo tàng và các di tích. Trung bình hàng năm, Bảo tàng tổ chức 3-4 cuộc triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng, với các chuyên đề phong phú, hình ảnh, hiện vật thu hút khách tham quan như “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung”; “Người đi tìm hình của nước”; “Quê hương - Đất nước - Mùa xuân”…
Bảo tàng Mỹ thuật Huế kết nối, tổ chức cho các em học sinh ở một số trường học trên địa bàn thành phố tham quan, trải nghiệm, học tập tại Triển lãm “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam”;“Ký họa di sản Cố đô Huế 2020”; “Di sản Cố đô Huế qua góc nhìn hội họa”; “Nét đẹp di sản Cố đô Huế qua thơ ca, hội họa”; “Búp bê truyền thống Nhật Bản” và Triển lãm “Ningyo - Nghệ thuật và vẻ đẹp của Búp bê Nhật Bản”. Tổ chức "Cuộc thi Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên Huế”, thu hút đông đảo các em học sinh từ 6 - 15 tuổi thuộc 150 trường tiểu học, trung học cơ sở trên điạ bàn tỉnh tham gia với hơn 3.000 tác phẩm dự thi. Tổ chức Triển lãm lưu động với chủ đề “Di sản Cố đô Huế qua nghệ thuật ký họa” và các hoạt động thi vẽ tranh với chủ đề “Cảnh đẹp quê hương Thừa Thiên Huế”, tổ chức các cuộc thi sáng tạo nghệ thuật với chủ đề “Di sản văn hóa qua mắt trẻ thơ”; tổ chức một số hoạt động thi vẽ tranh với đề tài về cảnh đẹp quê hương đất nước, tô tượng, tô màu tranh, trải nghiệm in tranh dân gian làng Sình, tranh Đông Hồ… cho các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở; tổ chức triển lãm lưu động ở các trường học, địa phương trên địa bàn tỉnh, tạo sân chơi bổ ích giúp học sinh trải nghiệm, tương tác, học tập, rèn luyện các kỹ năng và phát huy tính sáng tạo, cách thể hiện ý tưởng, năng khiếu, suy nghĩ của các em học sinh về nghệ thuật qua những tác phẩm sáng tạo của mình.