Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh theo dõi, đôn đốc kiểm tra các đơn vị về việc thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công. Đồng thời chỉ đạo nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, xây dựng khu dân cư văn hóa lồng ghép với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hướng dẫn điều chỉnh tiêu chí, thủ tục bình xét để nâng cao chất lượng công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, khu dân cư, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phối hợp với Sở Xây dựng xây dựng tiêu chí phường, thị trấn, thị xã, thành phố đạt chuẩn đô thị văn minh.
Ngoài ra, để cùng thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là trên các mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng... nhằm không ngừng nâng cao nhận thực trong mọi tầng lớp nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh cũng như công tác chỉnh trang đô thị. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cùng với các cơ quan chuyên môn, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể như sau:
1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:
a) Hướng dẫn tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; chủ trì hiệp thương giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước hết là các tổ chức chính trị - xã hội vận động toàn dân thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;
b) Phối hợp với các sở, ngành có liên quan trình Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ban hành Quy chế vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” sửa đổi;
c) Phối hợp với Sở Tài chính bố trí, hướng dẫn kinh phí tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các nhiệm vụ được giao trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
d) Phối hợp với các sở Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa và Thể thao hướng dẫn tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét thi đua khen thưởng trong việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng và phát hành tài liệu tuyên truyền, vận động nhân dân, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình, tăng cường vận động nguồn lực hỗ trợ về giảm nghèo bền vững; giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước về giảm nghèo;
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp vận động nhân dân, xây dựng và nhân rộng các mô hình, tăng cường vận động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
c) Chỉ đạo Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý về các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh công tác xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm, ma túy trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:
a) Hỗ trợ và tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng và nhân rộng các mô hình hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, khu dân cư nông thôn, xã có cách làm hiệu quả, đóng góp tích cực xây dựng nông thôn mới;
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các cấp tự đánh giá, xét công nhận, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới;
c) Chủ trì đánh giá cấp quốc gia việc công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
4. Sở Xây dựng:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, các sở, ngành liên quan xây dựng tiêu chí phường, thị trấn, thị xã, thành phố đạt chuẩn đô thị văn minh;
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế phối hợp và hỗ trợ để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng và nhân rộng các mô hình hộ gia đình, khu dân cư, phường, thị trấn có cách làm hiệu quả xây dựng đô thị văn minh;
c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế ban hành cơ chế chính sách phát triển nhà ở; hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công; hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, sinh viên;
d) Chủ trì xây dựng và hướng dẫn các địa phương xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa.
5. Sở Y tế:
a) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ngành liên quan xây dựng và ban hành tiêu chí an toàn thực phẩm cho các phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Gắn các chương trình, phong trào vận động nhân dân tham gia: Bảo hiểm y tế, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tác hại thuốc lá, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”;
b) Trên cơ sở kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận, sửa đổi hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực được phụ trách;
c) Tham mưu bổ sung đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia Ban Chỉ đạo liên ngành các cấp về vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức giám sát và phản biện xã hội về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế phối hợp và hỗ trợ các điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
7. Sở Tư pháp:
a) Chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức phổ biến pháp luật, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh;
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế phối hợp và hỗ trợ các điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc vận động nhân dân tham gia thực hiện quy ước và hương ước ở cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.
8. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận hướng dẫn vận động nhân dân đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
9. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng theo Luật đầu tư công;
b) Phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan cân đối nguồn lực bố trí kinh phí đảm bảo để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức thực hiện các nội dung công việc được giao.
10. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh bố trí, hướng dẫn kinh phí tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các nhiệm vụ được giao trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
11. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tăng thời lượng để phát sóng các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:
a) Chỉ đạo rà soát thống kê, phân loại đối tượng nghèo; xây dựng cơ sở dữ liệu người nghèo, hộ nghèo đa chiều và công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tại khu dân cư và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực đảm bảo để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn phối hợp và hỗ trợ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận về tài liệu phục vụ công tác vận động, giám sát giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phối hợp tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;
c) Chỉ đạo các ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, đối thoại theo chủ đề để nhân dân trao đổi, góp ý kiến việc triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn;
d) Chủ trì đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đáp ứng các yêu cầu của mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; khen thưởng các địa phương, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;
đ) Chỉ đạo các ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn phối hợp và đảm bảo các điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức giám sát, phản biện xã hội về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn.