Theo đó, có 7 nhà vườn Huế đặc trưng được phê duyệt tham gia Đề án trong đợt 2 này gồm: Nhà thờ họ Tôn Thất (Tôn Thất Hùng), ở tại số 7 kiệt 72 Thân Văn Nhiếp, phường Thủy Biều (nhà vườn Huế đặc trưng loại 1); Nhà vườn hộ ông Nguyễn Hữu Thông (Sum Viên), ở tại số 313 Bùi Thị Xuân, phường Đúc (nhà vườn Huế đặc trưng loại 1); Nhà vườn hộ ông Nguyễn Văn Trọng, ở tại số 28 Phú Mộng, phường Kim Long; (nhà vườn Huế đặc trưng loại 2); Nhà vườn hộ ông Tôn Thất Phương, ở tại số 47 Lương Quán, phường Thủy Biều (nhà vườn Huế đặc trưng loại 2); Nhà vườn hộ ông Tôn Thất Nghệ ở tại số 5/310 Lý Nam Đế, phường Hương Long (nhà vườn Huế đặc trưng loại 2); Nhà vườn hộ ông Hoàng Trọng Sằng, ở tại số 101 Nguyệt Biều, phường Thủy Biều (nhà vườn Huế đặc trưng loại 3); Nhà vườn hộ bà Nguyễn Thị Tâm, ở tại số 31 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Phú Cát (nhà vườn Huế đặc trưng loại 3).
Kinh phí hỗ trợ trùng tu, tôn tạo đối với nhà vườn xếp loại 1 không quá 700 triệu đồng, nhà vườn xếp loại 2 không quá 500 triệu đồng và không quá 400 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 3.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 150 nhà vườn Huế có giá trị lịch sử và văn hóa, trải qua thời gian nhiều nhà vườn đã xuống cấp trầm trọng và không còn giữ nguyên trạng; nhiều nhà vườn đã bị biến đổi diện tích hoặc tháo dỡ, xây dựng mới. Việc thực hiện Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” nhằm hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao giá trị hình ảnh cố đô Huế; khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế của di sản nhà vườn Huế đặc trưng. Đồng thời, làm tiền đề để lan tỏa, phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công cuộc bảo vệ những giá trị văn hóa Huế đặc trưng gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo mục tiêu đã được HĐND tỉnh đặt ra thì đến năm 2020 tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ, trùng tu để bảo vệ khoảng 25 đến 40 nhà vườn Huế đặc trưng.