Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 4.343
Những thành tựu sau 15 năm xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trên địa bàn tỉnh
Lượt đọc: 7841Thời gian: 14:19 - 28/04/2020

(VHH) - Ngày 21 tháng 02 năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá là “ổn định, củng cố và xây dựng gia đình để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW trên địa bàn tỉnh, cùng với những thành tựu chung về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đời sống người dân ngày một nâng lên.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành, địa phương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả; ý thức, trách nhiệm và đời sống kinh tế của người dân được nâng lên, sự chung tay, hỗ trợ, sẻ chia của cộng đồng đã tác động tích cực đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), đã tạo điều kiện cho mọi người, đặc biệt là các hộ gia đình có bạo lực do đời sống kinh tế khó khăn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 tiếp tục giảm còn 4,17% và dự kiến giảm còn 3,67% vào cuối năm 2020, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân. Trong giai đoạn này, xuất hiện nhóm hộ nghèo mới tuy không nghèo về thu nhập nhưng nghèo do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, chiếm 17,3% trong tổng số hộ nghèo. Từ đó, khó khăn, thách thức trong việc thực hiện giảm nghèo giai đoạn này là ngoài việc hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập của người nghèo... còn phải thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giúp người nghèo từng bước tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và tiếp cận thông tin. Thông qua sự hỗ trợ, vay vốn từ các chương trình giảm nghèo, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế ngày càng tăng.

Đời sống các gia đình được cải thiện về vật chất và tinh thần, trẻ em được gia đình quan tâm, nhất là trong giáo dục hình thành và phát triển nhân cách. Tỷ lệ gia đình thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em  tăng lên 95%. Trên 70% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, giúp đỡ. Tỉnh cũng đã tổ chức tốt các hoạt hoạt động triển khai tháng hành động vì trẻ em hàng năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (theo cân nặng) còn 7.6%.

Đối với công tác giáo dục đời sống gia đình, từ năm 2010, Sở Văn hóa và Thể thao triển khai rộng khắp Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” từ các các cơ quan truyền thông cấp tỉnh như báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đến hệ thống các Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố và các cuộc họp thôn, tổ dân phố ở cơ sở. Đài truyền thanh thị xã Hương Thuỷ, huyện Phú Lộc xây dựng chuyên mục “Chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình”; Hầu hết các chuyên mục của đài truyền thanh huyện đều được đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn tiếp sóng và phát sóng nhiều lần trong tuần. Đề án còn được triển khai thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố được tổ chức 1 tháng 2 lần, người dân được tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ; được tuyên truyền về các mối quan hệ trong gia đình như: vợ và chồng, cha mẹ và con cái, ông bà và con cháu, anh chị em trong gia đình; về các tiêu chuẩn của gia đình văn hoá... Mỗi năm có trên 1000 buổi họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt câu lạc bộ thu hút hàng chục ngàn lượt người tham dự. Đến nay, Đề án được triển khai thường xuyên và rộng khắp trên hệ thống các Đài Truyền thanh, Đài Truyền thanh Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố và lồng ghép vào Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Các gia đình đã tiếp thu và xây dựng những giá trị nhân văn mới mà tiêu biểu là quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiệm giữa vợ và chồng trong việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng. Sự bình đẳng giữa nam và nữ trong các gia đình có sự thay đổi đáng kể, tỷ lệ phụ nữ tham gia quyết định các vấn đề quan trọng trong gia đình như: sinh con, làm kinh tế, tham gia các hoạt động chính trị-xã hội ngày càng cao. Mức sống của các gia đình ngày càng được nâng cao, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng điện thoại và internet. Các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc vận động người dân tự nguyện, tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh xây dựng “Gia đình văn hóa”, phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học” được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, dòng họ đã có những cách làm hay, như: xây dựng quỹ, vận động bà con trong dòng họ cho gia đình nghèo mượn tiền nuôi con học đại học, tổ chức lễ tuyên dương, phát thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt… đã tạo điều kiện giúp đỡ các học sinh nghèo hiếu học tiếp tục đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, vi phạm tệ nạn xã hội.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, việc triển khai các chính sách an sinh xã hội, phát triển gia đình, giáo dục đời sống trong gia đình đã tạo điều kiện để người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em tiếp cận được các chương trình, các dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở, nước sạch,… góp phần thay đổi được nhận thức của người dân trong chung tay xây dựng, phát triển gia đình hạnh phúc bền vững. Từ đó, nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của gia đình và công tác gia đình được củng cố. Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đạt được những thành tích đáng kể, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội ngày càng ổn định và phát triển. Những giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là bình đẳng giới và quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Quyền trẻ em đã được pháp luật thừa nhận, được xã hội và gia đình thực hiện và phát huy. Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2000 đã tạo điều kiện để thực hiện hôn nhân bình đẳng và tiến bộ. Những thành tựu của công tác gia đình đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi.

Nghi Dung
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL