(VHH) - Trải qua nhiều biến thiên của sự tàn phá vì chiến tranh, tác động khắc nghiệt của khí hậu và quan niệm, nhận thức về vấn đề lưu trữ, bảo tồn trong từng thời kỳ lịch sử, nguồn tài liệu di sản Hán Nôm nói chung và di sản Hán Nôm làng xã nói riêng đã và đang dần bị thất thoát, mất mát, hư hỏng khá nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nghiên cứu và phát huy giá trị các giá trị độc đáo từ nguồn tư liệu này mang lại.
Nhiều tư liệu Hán Nôm quý hiếm đã bị đánh cắp để buôn bán trục lợi. Bên cạnh đó, nguồn tư liệu Hán Nôm ở nhiều làng được cất giữ chưa phù hợp, tình trạng bảo quản khá sơ sài, đơn giản nên rất dễ khiến hệ thống văn bản quý giá này ngày một xuống cấp.
Đây là một trong những thực trạng có tính cấp thiết, do đó từ thời gian năm 2009 đến 2019, Sở Văn hóa và Thể thao đã chú trọng việc chỉ đạo Thư viện tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường các biện pháp nhằm tránh tình trạng tư liệu tiếp tục bị hủy hoại hay thất thoát. Trong đó, Thư viện tổng hợp tỉnh đã phối hợp với Thư viện khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, cùng với Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức khảo sát sưu tầm và đã số hóa các tài liệu Hán Nôm tại các làng xã, tư gia ở Thừa Thiên Huế (114 phủ đệ, 118 làng, đền thờ và nhà vườn, 516 gia đình, dòng họ). Đến nay, tổng só tài liệu Hán Nôm sưu tầm và số hóa là 263.848 trang, trong đó có hàng chục ngàn Sắc phong, Chế phong, Chiếu chỉ, Lệnh chỉ.
Trong năm 2018, Thư viện Tổng hợp tỉnh cùng Thư viện khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đã thực hiện xuất bản cuốn sách Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế với 734 trang. Công trình là sự tổng hợp thư mục đề yếu của 2.171 sắc phong triều Nguyễn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây cũng là kết quả của quá trình số hóa, lập phiếu thư mục trên cơ sở 10 năm tiến hành số hóa văn bản Hán Nôm ở nhiều làng xã của tỉnh Thừa Thiên Huế. Công trình cũng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu và bạn đọc gần xa.
Kế tục thành quả này, với tính độc đáo, đặc trưng quý hiếm và thể hiện truyền thống tự hào của làng xã, gia đình ở mỗi địa phương, Tập sách Sắc phong, Chế phong, Chiếu thời Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế lần này được Thư viện Tổng hợp tỉnh cùng với Thư viện khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ra mắt và giới thiệu đến đọc giả 300 tài liệu Hán - Nôm quý, bao gồm 180 Sắc phong, 100 Chế bản và 10 Chiếu thời Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây chính là nguồn văn bản quan trọng, có giá trị và ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu về nhiều phương diện liên quan đến lịch sử văn hóa nước nhà.
Tập sách hiện có tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế. Trân trọng giới thiệu đến quý bạn được biết, cùng tham gia nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị loại tài liệu quý hiếm này.