Tranh dân gian Làng Sình chủ yếu là tranh phục vụ tín ngưỡng. Có thể phân làm ba loại: Tranh nhân vật chủ yếu là tranh tượng bà, vẽ một người phụ nữ xiêm y rực rỡ với hai nữ tì nhỏ hơn đứng hầu hai bên. Tượng bà còn chia thành ba loại: tượng đế, tượng chùa, và tượng ngang. Loại tranh này dán trên bàn thờ riêng thờ quanh năm. Lại còn các loại tranh khác gọi là con ảnh, gồm hai loại: ảnh xiêm vẽ hình đàn ông đàn bà, và ảnh phền vẽ bé trai bé gái (phải chăng phền do chữ phồn thực của Ðông Hồ). Các loại nhân vật còn lại là tranh ông Ðiệu, ông Ðốc và Tờ bếp (có lẽ tranh vẽ Táo quân). Các loại tranh này sẽ đốt sau khi cúng xong. Tranh đồ vật vẽ các thứ áo, tiền và dụng cụ để đốt cho người cõi âm: Áo ông, áo bà, áo binh, tiền, cung tên, dụng cụ gia đình... thường là tranh cỡ nhỏ. Tranh súc vật (gia súc, ngoài ra còn có voi, cọp và tranh 12 con giáp) để đốt cho người đã qua đời.
Tranh dân gian Làng Sình từ lâu đã trở thành nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế. Ngày nay, không chỉ mang ý nghĩa thờ cúng, Tranh dân gian Làng Sình còn mang trong mình giá trị trang trí, thẩm mỹ, văn hóa. Hiện nay, làng có hơn 40 hộ dân làm tranh dân gian.
Danh hiệu Làng nghề truyền thống sẽ giúp chính quyền địa phương và người dân làng Sình có điều kiện thuận lợi trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống trong đời sống đương đại.