Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 32.178
Làm cư dân vùng cao
Lượt đọc: 48Thời gian: 09:23 - 28/06/2024

Hóa thân thành những cô gái, chàng trai Cơ Tu, chúng tôi được cùng người dân bản địa đắm chìm vào thiên nhiên, trải nghiệm những hoạt động truyền thống thú vị trên con suối Cân Te, xã Hương Phong, huyện A Lưới.

Tìm hiểu trên fanpage “Du lịch A Lưới” mới biết, khu du lịch sinh thái Cân Te 2, thôn Hương Thịnh, xã Hương Phong vừa được đưa vào hoạt động cuối tháng 4 vừa rồi. Thế là chúng tôi quyết định “có hẹn với A Lưới” vào dịp hè này. Nằm cách trung tâm huyện A Lưới khoảng 7km, sát biên giới Việt - Lào, đây là điểm du lịch mới, vừa khai thác các hoạt động vui chơi giải trí, vừa đem đến những hoạt động trải nghiệm thú vị cho du khách ghé thăm.

Không phải là lần đầu tiên đến A Lưới, nhưng khi vừa đặt chân xuống nơi này, một cảm giác mới mẻ, thú vị đã tràn ngập trong tâm thức tôi. Không gian núi rừng rộng lớn hòa cùng làn gió mang hơi thở của nước, tất cả tạo nên một bức tranh miền sơn cước nên thơ, hữu tình, khác hẳn với bầu không khí náo nhiệt, nóng nực nơi phố thị.

Cân Te 2 được duy trì hoạt động bởi những người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số như Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Cô... đang sinh sống trên địa bàn. Các sản phẩm du lịch tại đây tập trung khai thác dòng suối tự nhiên Cân Te, giới thiệu đến du khách những nét bản sắc văn hóa, sản phẩm truyền thống, đặc sản của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Theo lời giới thiệu của một người dân bản địa nơi đây, suối Cân Te (tiếng địa phương Cân Tehs) là một dòng suối còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, được thiên nhiên ban tặng cho huyện A Lưới. Tận dụng tiềm năng, lợi thế từ dòng suối này, địa phương đã quan tâm đầu tư, phát triển thành các điểm du lịch sinh thái phục vụ cộng đồng.

Tranh thủ "check-in" suối Cân Te 2 bằng những bộ trang phục Cơ Tu đẹp mắt, chúng tôi nhanh chóng cùng người dân chèo bè ra giữa lòng suối. Tại đây, chúng tôi được trải nghiệm hoạt động “Ta tủa” - xúc cá bằng vợt, một hoạt động trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng đất A Lưới. Từ xưa, nguồn thủy sản được khai thác từ các dòng sông, con suối góp phần giúp người dân nơi đây duy trì đời sống. Một số còn là lễ vật được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng của bản, làng.

Chính nhờ sống hài hòa với thiên nhiên, biết khai thác nguồn lợi tự nhiên đúng cách mà đến nay suối Cân Te vẫn còn giữ được nét nguyên sơ, mang lại nhiều giá trị cho người dân. Hiện nay, suối Cân Te có tới 9 loại thủy sản sinh sống và phát triển, bao gồm: tôm, cua đá, ốc, cá suối… Sau hơn 1 tiếng hòa mình vào dòng suối, thành quả mà chúng tôi thu được là 2kg cá suối và ốc đá. Chúng tôi được thưởng thức bữa trưa tươi ngon ngay bên bờ suối cùng với các món ăn dân dã, đặc sản nơi đây.

Thưởng thức xong bữa trưa, chúng tôi được lắng nghe giới thiệu về nghề đan chiếu A Lấ, một nghề truyền thống của đồng bào Tà Ôi, còn được gìn giữ đến ngày nay. Theo phong tục truyền thống, những người con gái Tà Ôi trước khi về nhà chồng đều phải đan một tấm chiếu như thế để đưa sang nhà trai. Để có sợi đan thành chiếu, các cô gái phải lên rừng hái từng cọng lá dứa dại (âng chạc) đem về tước nhỏ, làm mềm mới có thể đan. Có thế mới biết, để đan được một chiếc chiếu đẹp đòi hỏi nhiều công sức, sự khéo léo, cần cù và sáng tạo của người thợ.

“Trỉa lúa Ra dư” cùng người dân bản địa cũng là một trải nghiệm lao động, sản xuất thú vị. Hoạt động trỉa lúa Ra dư thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, tương trợ nhau của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới. Theo người dân, lúa Ra dư là một loại lúa cổ, quý hiếm của người đồng bào Pa Cô. Đặc điểm của hạt gạo từ lúa Ra dư là hạt to, dẻo, có hai màu đỏ và trắng, mùi thơm rất đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gạo nào. Gạo Ra dư thường được bà con để dành dùng cho các sự kiện quan trọng.

Ngoài ra, chúng tôi còn được ghé thăm vườn nông sản sạch, hữu cơ như chuối, dưa, rau màu… của nhóm sinh kế phụ nữ thôn Hương Thịnh, xã Hương Phong. Tại đây, chúng tôi vừa được hóa thân thành người nông dân, thu hoạch những thứ quả ngọt, ngon, sạch vừa được mang về làm quà cho người thân.

Trời đã chuyển về chiều, chúng tôi rời Cân Te 2 trong niềm tiếc nuối. Mỗi lần đến A Lưới đều như lần đầu. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, tôi có cơ hội hiểu nhiều hơn về những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ đưa thêm những câu chuyện văn hóa, trải nghiệm thú vị để du lịch địa phương ngày càng thu hút du khách hơn.

T.M (theo Thái Châu-Báo TTH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL