Tìm kiếm chuyên trang
Nam Đông, phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số
Lượt đọc: 7297Thời gian: 16:22 - 10/06/2019

(VHH) - Huyện Nam Đông được tái lập vào tháng 10 năm 1990, dân số hiện nay khoảng 28 nghìn người. Trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 43%, gồm 13 dân tộc sinh sống tập trung ở 06 xã định canh định cư, trong đó người dân tộc Cơ tu chiếm đa số. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh và huyện cùng với sự nỗ lực phấn đấu của bà con các dân tộc trong huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hăng hái thi đua yêu nước và đã đạt được những thành quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; diện mạo vùng đồng bào ngày càng một khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện rõ rệt

Ông Hồ Sỹ Thi - Già làng, người có uy tín xã Hương Sơn vui mừng: “Tôi đến Nam Đông lập nghiệp hơn 40 năm, chứng kiến sự đổi thay, đi lên của huyện nhà mà lòng vui lắm. Ngày trước khổ, điện, đường, trường, trạm đều thiếu thốn…Nhiều năm trở lại đây được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, bây giờ cơ sở vật chất đầy đủ, đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng được nâng lên. Mong Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm tới huyện nhà, đặc biệt là đối với những gia đình còn khó khăn.”

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây huyện đã tập trung chỉ đạo, huy động, lồng ghép các nguồn lực, từng bước đầu tư các công trình thiết yếu, chỉ đạo nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Nhận thức của cán bộ và nhân dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được ổn định và có mức sống khá hơn so với nhiều năm trước, một bộ phận nhân dân, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số có tích luỹ đầu tư tái sản xuất, định canh định cư đi vào thế vững chắc. Đến nay đã có 5/10 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã 100% bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Hồ Thanh Nghi - Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, Nam Đông chia sẽ: “Năm 2015, xã Hương Sơn, là xã đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên theo chuẩn mới xã Hương Sơn vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt. Trong thời gian tới địa phương tiếp tục tuyên truyền bà con thực hiện tốt các tiêu chí phần việc của mình. Ngoài ra tranh thủ các nguồn lực tập trung đầu tư, nâng cao các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu đến năm 2020, xã Hương Sơn sẽ đạt các tiêu chí theo quyết định mới”.

Hiện nay, đến với huyện miền núi Nam Đông, chúng ta thấy được sự đổi thay đáng mừng, sự đổi thay ấy không riêng gì trung tâm huyện lỵ mà đến tận làng, bản vùng cao như Thượng Quảng, Thượng Long, Thượng Nhật, Hương Sơn... Những con đường làng được thảm nhựa, bê tông hoá dẫn đến từng thôn, bản, ngôi nhà Gươl truyền thống ở các xã định canh định cư được đầu tư, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần người dân, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước hoàn chỉnh là niềm tự hào, cũng là sự tác động tích cực để mỗi một người dân không ngừng tăng gia lao động sản xuất, từng bước cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, huyện tập trung tuyên truyền, phát huy nội lực, nhân rộng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là đối với lực lượng đoàn viên thanh niên. Chị Hồ Thị Hằng - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Nam Đông cho biết: “Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong lao động sản xuất, trong những năm qua, tuổi trẻ huyện Nam Đông luôn ra sức phấn đấu thi đua lập nhiều thành tích trên các lĩnh vực. Trong đó có nhiều đoàn viên, thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi, trồng trọt nên hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao. Nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản địa phương đã đến với thị trường và được đón nhận”.

Kết quả thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Tổng số kinh phí đầu tư cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2014 - 2018 là 411.156 triệu đồng, bình quân mỗi hộ đồng bào DTTS được đầu tư  34 triệu đồng. Hầu hết, các chương trình, dự án, chính sách được thực hiện dựa trên cơ sở đề xuất của người dân, quá trình triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định, tiến độ và được sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng nên đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả. Từ đó phát huy được vai trò giám sát của người dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được cũng cố và phát huy, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Ông Trần Văn Hát – Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam huyện khẳng định: “Trong nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đời sống người dân, đặc biệt là đối với người đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, phần lớn bà con đã biết tích lũy, đầu tư, làm giàu trên chính quê hương mình. Bên cạnh đó khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong huyện được phát huy, đặc biệt là vai trò giám sát của cộng đồng nên các công trình đầu tư đều phát huy tính hiệu quả”.

Mặc dù ở các địa phương, khu dân cư trên địa bàn huyện kinh tế vẫn còn khó khăn do đặc thù miền núi, tuy nhiên điều vui mừng là tại Đại hội đại biểu các DTTS huyện Nam Đông lần thứ III vừa qua đã tiếp tục khẳng định và ghi nhận những công lao to lớn của đồng bào các DTTS và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện trong thực hiện công tác dân tộc, giảm nghèo, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ hội nhập; tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu; cổ vũ và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Với truyền thống đoàn kết và sáng tạo của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện, đây sẽ là điểm tựa vững chắc vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước trên địa bàn huyện Nam Đông trong thời gian tiếp theo.

Tiến Dũng(NĐ) - HU
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.141.514
Truy cập hiện tại 4.379