Tìm kiếm chuyên trang
Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2023
Lượt đọc: 10088Thời gian: 23:28 - 28/08/2019

(VHH) - Ngày 28/8/2019, tại Hà Nội, Hội Khảo Cổ học Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ III (2019-2023). Tham dự Đại hội có 126 đại biểu, đại diện cho các nhà khảo cổ học Việt Nam trong toàn quốc. Đại hội còn có sự tham dự của GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, kiêm Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Bà Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội; đại diện Bộ Khoa học Công nghệ, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Hội Khảo cổ học được thành lập vào ngày 08/8/2008. Đại hội Hội Khảo cổ học Việt Nam tổ chức nhiệm kỳ 05 năm/1 lần. Trong 05 qua, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã có những kết quả hoạt động đáng tự hào, trong đó đã tổ chức gần 200 cuộc khai quật và thám sát lớn nhỏ và đã cung cấp nhiều thông tin tư liệu cho công cuộc nghiên cứu lịch sử văn hóa nước nhà. Các phát hiện và nghiên cứu di tích và di vật, các nhà khảo cổ học đã bám sát các mục tiêu chuyên môn cụ thể nhằm phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, góp phần xây dựng hồ sơ di sản, quy hoạch di sản, bảo vệ, bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị di tích và các nguồn tài nguyên văn hóa Việt Nam còn ẩn dưới lòng đất. Những cống hiến đó góp phần tư vấn chính sách cho các cấp có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương thực hiện bảo vệ cấp thiết di sản văn hóa dân tộc theo pháp luật Việt Nam, theo Công ước quốc tế và quy chế nghiên cứu khảo cổ học. Cung cấp nhiều tư liệu cho các Bảo tàng trưng bày thường xuyên và các trưng bày chuyên đề đặc sắc, góp phần quan trọng vào công tác phục vụ cộng đồng và giáo dục công chúng về lịch sử, văn hóa và khảo cổ học.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, như: Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam... để làm tốt chức năng phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam đặc biệt là di sản khảo cổ học.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ qua, Hội Khảo cổ học Việt Nam phối hợp Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nghiên cứu, khảo sát tư vấn, đánh giá giá trị và đề xuất ý kiến bảo tồn các di tích, di vật khảo cổ học, như: Bảo tồn nguyên vẹn phạm vi địa giới của Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; khai quật nghiên cứu cấu trúc Tường thành của Thành Nhà Hồ và di tích Xuân Đài (Thanh Hóa); nghiên cứu khôi phục không gian chính điện Kính Thiên; nghiên cứu và đề xuất phương hướng bảo tồn Di tích Đức Phổ - Long Thạnh thuộc Văn hóa Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); xử lý bảo tồn di tích ở mỏ đá ở Bãi Tiên (Bình Phước); xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích khảo cổ học Vườn Chuối (tại Hoài Đức, Hà Nội); nghiên cứu, giám định niên đại đàn đá Bình Phước (Bảo tàng Bình Phước), đánh giá giá trị và đề xuất ý kiến để hội đồng xem xét, bỏ phiếu công nhận di vật đạt tiêu chí Bảo vật quốc gia; tư vấn bảo vệ khẩn cấp di tích đình Quan Lạn và xây dựng kế hoạch nghiên cứu và bảo vệ di tích thương cảng quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh); nghiên cứu một số quy trình công nghệ ứng dụng vào bảo tồn một số loại hình di vật khảo cổ; tham gia các hoạt động tư vấn cho Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Ủy ban UNESCO Việt Nam và nhiều địa phương trong cả nước về các hoạt động nghiên cứu phục hồi, tư vấn thiết kế xây dựng các thiết chế văn hóa; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; tư vấn thiết kế bảo tồn, phục dựng, phục hồi các công trình kiến trúc văn hóa; nghiên cứu bảo tồn, trưng bày, giới thiệu và quảng bá di tích, di vật trong đó chủ yếu là các di tích khảo cổ học...

Năm 2018, Hội nghị thông báo những phát hiện mới khảo cổ học lần thứ 53 được tổ chức tại Huế 

Đại hội Hội Khảo cổ học Việt Nam lần này đã nêu phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tiếp theo; trong đó, “sẽ nghiên cứu kiến nghị với Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa, các Hội nghề nghiệp liên quan và các cấp có thẩm quyền quan tâm tìm các biện pháp đẩy mạnh công tác xây dựng danh sách kiểm kê di sản khảo cổ học, nghiên cứu và bảo vệ tốt các di sản khảo cổ học trên phạm vi toàn quốc, chú ý vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các di sản khảo cổ học sau khai quật, chú ý công tác phát hiện và kiến nghị các vấn đề còn bất cập liên quan chính sách xây dựng và phát triển ngành khảo cổ học cũng như chính sách bảo vệ di sản khảo cổ học”.

Đại hội đã bầu ra 27 Ủy viên Ban chấp hành mới. PGS.TS Tống Trung Tín tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2023, cùng các Phó chủ tịch Hội: PGS.TS Bùi Văn Liêm, TS Nguyễn Văn Cường, PGS.TS Bùi Chí Hoàng. PGS.TS Nguyễn Lân Cường được bầu làm Tổng Thư ký Hội.

 
Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Chủ tịch Hội nhận Giấy khen Hội Khảo cổ học Việt Nam (bên trái)

Để biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đã ký quyết định và trao Giấy khen cho 03 tập thể và 08 cá nhân thuộc Hội. Tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự có TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao và tập thể Chi hội Khảo cổ học Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế được tặng Giấy khen trong dịp này.

Yên Chi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.141.514
Truy cập hiện tại 16.967