Tìm kiếm chuyên trang
Thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Lượt đọc: 175Thời gian: 09:36 - 10/07/2024

Trong những năm qua, bên cạnh việc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện tiêu chí văn hoá trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (tiêu chí số 06 về cơ sở vật chất văn hoá và tiêu chí số 16 về văn hoá), ngành Văn hoá và Thể thao đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện phát triển văn hoá nông thôn; lồng ghép xây dựng đời sống văn hóa nông thôn vào Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đến các địa phương toàn tỉnh.

Bên canh việc ban hành các văn bản tham mưu, hướng dẫn thực hiện, Sở Văn hoá và Thể thao đã tập trung công tác tuyên truyền, phối hợp cũng như gắn kết các phong trào văn hóa, xã hội khác góp phần thực hiện đảm bảo chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

1. Công tác tuyên truyền, vận động:

UBND tỉnh giao cho Ngành Văn hóa và Thể thao tham mưu triển khai các chương trình, nội dung nhằm đẩy mạnh việc phát triển văn hóa nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tổ chức lồng ghép tuyên truyền xây dựng nông thôn mới vào phong trào TDĐKXDĐSVH. Qua đó tập trung thực hiện thông qua hình thức lồng ghép vào các buổi họp thôn, hội nghị, tập huấn tại các địa bàn dân cư; thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông của địa phương như  Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế, trên các trang thông tin điện tử, tạp chí của tỉnh,... Ngoài ra, hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đã tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chuyên viên ngành Văn hóa Thông tin toàn tỉnh về nghiệp vụ triển khai thực hiện phong trào, trong đó chú trọng việc tham mưu thực hiện tiêu chí văn hoá trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả và có chất lượng.

2. Công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã hội:

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Ngành Văn hóa và Thể thao đã ký kết những Chương trình phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban dân tộc tỉnh để phát triển và bảo tồn văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương trình “Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá - thông tin ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số”, Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng bào các dân tộc thiểu số - miền núi giai đoạn 2011- 2015”, giai đoạn 2018 – 2020. Phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, ngành Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội nông dân Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về phát triển văn hóa nông thôn…Tất cả các chương trình phối hợp đều được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. 

Cụ thể hoá các chỉ tiêu về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới vào các Chương trình, Kế hoạch như: Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Thừa Thiên Huế hàng năm, Chiến lược phát triển Văn hoá tỉnh Thừa Thiên Huế, Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế…

Qua thời gian triển khai thực hiện cơ bản đã kế thừa những kết quả, thành tựu đã đạt đươc của phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, kết hợp giữa xây dựng những giá trị văn hoá mới với việc bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống, các giá trị văn hoá Huế. Nâng cao được nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hoá của người dân ở nông thôn. Huy động và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở.

3. Gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và chuyên môn, nghiệp vụ:

Ban chỉ đạo phong trào tỉnh đã lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào hiện có; bổ sung các nội dung văn hóa phù hợp với thực tiễn; gắn kết chặt chẽ văn hóa với các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát huy vai trò của các yếu tố văn hóa và nhân tố con người góp phần phát triển kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ. Gắn với các cuộc vận động xã hội rộng lớn: “Ngày vì người nghèo”; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phòng chống tệ nạn xã hội; xây dựng văn hóa giao thông. Gắn kết thực hiện các nhiệm vụ của các ngành, đoàn thể với các phong trào: “Học tập, lao động, sáng tạo trong cán bộ, công nhân viên chức”; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Cựu Chiến binh gương mẫu”; “Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị lực lượng vũ trang; ...

Việc thực hiện Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Về việc cưới đã đơn giản hóa các thủ tục, quy mô phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình và địa phương; chấp hành nghiêm Luật hôn nhân và gia đình; không còn trường hợp thách cưới hay cưỡng ép hôn nhân. Nhiều địa phương đã hình thành những tập tục mới tốt đẹp như vận động các đôi vợ chồng trẻ tự nguyện đóng góp trồng cây lưu niệm cho xã, hoặc tự nguyện đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm.

Việc tang ở các địa phương đều được tổ chức chu đáo, trang nghiêm đảm bảo quy định về vệ sinh môi trường và trật tự an toàn xã hội. Các tập tục lạc hậu trong đám tang như lăn đường, khóc mướn, bắt tà, trừ ma hầu như đã được xóa bỏ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Đông và A Lưới. Các hình thức trợ tang, đóng góp, hỗ trợ giúp đỡ những gia đình khó khăn khi có việc tang được thực hiện khá phổ biến... Trên cơ sở triển khai thực hiện Đề án Xây nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành quy định một số vấn đề về thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Thông qua những nội dung của quy định, các địa phương đã vận động người dân thực hiện không rải vàng mã trên đường đưa tang ở một số tuyến đường ở thành phố Huế, các thị xã Hương Trà, Hương Thủy; vận động người dân thực hiện đám tang không để quá 03 ngày ...

Về lễ hội, Ngành Văn hóa và Thể thao và các ban ngành liên quan của tỉnh đã xây dựng Kế hoạch tổ chức và kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh. Các lễ hội truyền thống như Hội Vật làng Sình, Hội vật Thủ Lễ, Lễ hội cầu ngư làng Thai Dương, Lễ hội cầu ngư Lăng Cô, hội đua trải trên sông Vực; lễ hội cúng cơm mới, lễ hội cầu mùa, lễ cưới dân tộc Tà Ôi, lễ hội đâm trâu của đồng bào dân tộc... được bảo tồn và phát huy giá trị vốn có, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của người dân địa phương và du khách thập phương. Hằng năm, tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện việc quản lý tổ chức lễ hội đúng theo đường lối chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và thực hiện nếp sống văn minh, an toàn lễ hội.

4. Kết quả thực hiện các tiêu chí văn hoá trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (tiêu chí về cơ sở vật chất và đạt chuẩn văn hóa):

Quán triệt và triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy hoạch và phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và phê duyệt Quy hoạch thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Đối với các quy định về tổ chức hoạt động và tiêu chí của nhà văn hóa - khu thể thao thôn; Trung tâm văn hóa - thể thao xã, Sở Văn hóa và Thể thao đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố áp dụng và triển khai đồng bộ. Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã xây dựng nông thôn mới đều được quy hoạch xây dựng Trung tâm văn hoá - thể thao cấp xã đạt chuẩn theo quy đinh.

Thông qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu của nhân dân và hoạt động triển khai phong trào. Toàn tỉnh hiện có 109 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn trên tổng số 140 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 77,8%; 900 nhà văn hóa cấp thôn, tổ dân phố trên tổng số 1103 thôn, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 81,6%. Trong số này một số nhà được sửa chữa, tận dụng, một số nhà được xây dựng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo tiêu chuẩn, khang trang, tiện dụng.

Trong các năm từ 2018 đến nay, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đầu tư trang thiết bị, âm thanh phục vụ sinh hoạt ở 17 nhà văn hóa cấp xã và cấp thôn; tổ chức tập huấn nâng cao đời sống văn hóa nông thôn với tổng kinh phí 820 triệu đồng.

Hiện nay hệ thống nhà văn hóa cấp xã, thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản có người phụ trách, quản lý. Hàng năm tổ chức được các hoạt động như lễ hội, hội nghị, tập huấn, những cuộc họp của các hội, đoàn thể, họp ban điều hành thôn, tổ văn hóa; sinh hoạt của các Câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao, ...

Thực hiện xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện có hiệu quả, từng bước nâng cao về chất lượng, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực, nhiều giá trị văn hóa của địa phương được bảo tồn và phát huy. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.103 khu dân cư, trong đó đã công nhận đạt chuẩn văn hóa 964, đạt tỷ lệ 87,4%. Có 285.561/298.423 gia đình được công nhận đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 95,7% (so với tổng số gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá).

5. Đánh giá chung về kết quả đạt được

Việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong trong thời gian được các địa phương gắn phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” của Hội Nông dân; phong trào “5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; “Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới” của Tỉnh đoàn; “Giúp nhau phát triển kinh tế” của hội Cựu chiến binh…đã động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Chương  trình xây dựng nông thôn mới, bước đầu đạt những kết quả quan trọng.

Thông qua thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được chú trọng với các hoạt động văn hóa ngày càng phong phú và thiết thực nhằm huy động sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư tham gia phong trào. Hằng năm, các địa phương đã tổ chức tổng kết cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nhằm nâng cao chất lượng toàn diện của cuộc vận động; lồng ghép xây dựng nếp sống nông thôn mới, văn minh đô thị trong nội dung cuộc vận động; phối hợp kiểm tra, phân loại khu dân cư để làm cơ sở cho việc xét, công nhận khu dân cư văn hóa.

Ban điều hành làng văn hóa ở các làng (thôn, bản), tổ dân phối hợp với các cơ quan chức năng, các ban ngành đoàn thể động viên nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, gắn với kinh tế, du lịch và quảng bá các di sản; tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại làm phong phú, đa dạng vốn văn hóa dân tộc; nhiều mô hình gia đình, khu dân cư, làng, thôn, bản, tổ dân phố tiêu biểu được xây dựng, thuần phong mỹ tục được gìn giữ và phát huy; mọi người, mọi nhà tích cực thực hiện nếp sống văn hoá; ứng xử văn minh; giữ gìn được kỷ cương phép nước; các tệ nạn xã hội, những hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi; phong trào văn nghệ, thể dục thể thao phát triển; quan hệ ứng xử trong từng hộ gia đình và trong cộng đồng dân cư thêm cởi mở, thân thiện hơn, tạo nề nếp trong thôn xóm; nếp sống văn minh đô thị, nông thôn, xây dựng gia đình hòa thuận hạnh phúc và tiến bộ, tình làng, nghĩa xóm được phát huy.

Truyền thông về gia đình và công tác gia đình được lồng ghép trong Phong trào TDĐKXDĐSVH thực hiện mang tính đa dạng, nội dung phong phú thu hút sự tham gia của các cơ quan và toàn thể nhân dân.

Cùng với sự chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, lĩnh vực bảo vệ môi trường được các địa phương quan tâm và có những chuyển biến tích cực, nhiều chương trình được xã hội hóa, huy động công sức từ cộng đồng, hộ gia đình. Quan tâm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái, khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý, bảo vệ cảnh quan nơi gia đình, khu dân cư sinh sống. Nhiều địa phương đã vận động tốt nhân dân thực hiện việc thu gom rác thải đúng quy định; xây dựng và duy trì hoạt động của đội tự quản về môi trường;...

Thông qua triển khai thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH, từ nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh, của huyện và nguồn kinh phí xã hội hóa, các địa phương đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu của nhân dân và hoạt động triển khai phong trào. Mặc dù số lượng thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo nhưng việc quy hoạch đã cơ bản hoàn chỉnh. Đây là cơ sở cho thời gian tới, việc đầu tư xây dựng thuận lợi và đảm bảo các tiêu chuẩn.

Ngoài ra, thông qua hoạt động xã hội hóa, các địa phương đã kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng sân bóng đá mi ni, xây dựng bể bơi, sân ten - nit, xây dựng khu vui chơi dành cho thiếu nhi,... góp phần đáp ứng nhu cầu thể dục, thể thao và vui chơi, giải trí của nhân dân địa phương.

Cùng với việc quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, ngành chức năng đã tích cực phối hợp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin ở cơ sở để quản lý, vận hành và tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao hiệu quả.

HU
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.141.514
Truy cập hiện tại 9.312