Tìm kiếm chuyên trang
Người Lào trên đất Việt: Kỳ 2, Cuộc sống mới trên miền đất mới
Lượt đọc: 88Thời gian: 09:46 - 27/08/2024

Di cư về vùng đất mới, cuộc sống của người Việt gốc Lào cũng không dễ dàng. Sự thay đổi ít nhiều về văn hoá sống cũng như sinh kế khiến bộ phận người dân này phải vật lộn từng ngày. Để vượt qua cái khó, cái nghèo đeo đẳng, họ phải nương tựa vào nhau, cùng với đó là sự giúp đỡ của người dân bản địa.

 

Cưu mang, nương tựa vào nhau

Trước khi quyết định di cư đến vùng đất mới trên dãy Trường Sơn huyền thoại, Kêr Thị Ui cũng như bao người dân Lào đang định cư, sinh sống ở huyện miền  núi A Lưới nặng trĩu bao trăn trở. Rồi cuối cùng Ui vẫn quyết định di cư đến vùng đất mới này như một định mệnh.

Hành trang đến với vùng đất mới của Ui chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Hành trình “xuyên biên giới” của cô gái bản Lào này cũng chỉ gùi theo những củ sắn, củ khoai cầm cự qua ngày. Đến vùng đất mới xã A Ngo, Ui lang thang khắp nơi tìm người thân gốc Lào sinh sống tại địa bàn này để nương nhờ khi chưa có chỗ ở ổn định.

Những ngày đầu chưa tìm được người thân, Ui được những người đồng bào ở A Ngo cho trú qua đêm, lo từng bữa ăn, nước uống. Dẫu đời sống người dân nơi đây còn muôn vàn khó khăn vẫn không để người thiếu nữ Lào này thiếu một bữa ăn nào. “Bữa ăn đầu tiên trên đất A Lưới được nấu từ bột ngô và canh rau rừng. Dẫu vậy tôi vẫn rất ấm lòng. Bà con sở tại còn hỗ trợ, giúp đỡ cho Ui tìm người thân trên vùng A Lưới”, Ui rưng rưng.

Rồi một ngày may mắn gặp được người thân ở thôn Diên Mai, xã A Ngo, Ui được cưu mang, che chở trong những tháng ngày tìm kiếm mưu sinh. Những ngày đầu Ui đặt chân đến vùng đất lạ, không riêng người Lào mà cả người dân bản địa cũng vật lộn với cuộc sống mưu sinh. May mắn với Ui là được người thân lúc này chia cho mảnh đất và dựng một căn chòi nhỏ tạm bợ để có chỗ che nắng che mưa. Một ít diện tích đất ít ỏi được Ui trồng chuối, trồng rau phục vụ đời sống và mang ra chợ bán.

Hằng ngày đều đặn Ui vào rừng hái măng tre, hái nấm, nhặt củi mang ra chợ bán để sinh sống qua ngày. Rồi đến lúc Ui lấy chồng, những đứa con lần lượt ra đời thêm gánh nặng với vợ chồng trẻ này. Lúc này, chồng Ui không còn theo Ui vào rừng hái măng, hái nấm nữa mà phải đi theo người dân bản địa để làm thuê đủ nghề như phụ hồ, thu hoạch keo tràm, bóc vỏ tràm… để kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học.

Sau nhiều năm sinh sống nương nhờ vào người thân, vật lộn với cảnh sống tạm bợ, vợ chồng Ui được chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí xây nhà kiên cố từ các chương trình, dự án xoá đói giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới. Cuộc sống với vợ chồng Ui có thể gần như an cư, chỉ còn mong thoát nghèo. Rồi cũng từ các chương trình, dự án xoá đói giảm nghèo, vợ chồng Ui được hỗ trợ giống cây ăn trái, các vật gia dụng, hỗ trợ lợn giống… để phát triển sinh kế.

Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng thu nhập  từ làm thuê của vợ chồng Ui mỗi ngày vài trăm ngàn đồng cũng tạm đủ trang trải sinh hoạt gia đình, nuôi con ăn học. “Từ mấy năm nay không còn cảnh ăn ngô, sắn thay cơm mà đã có tiền mua gạo, mua thịt, cá cải thiện bữa ăn hằng ngày”, Ui vui mừng.

Nhiều công trình đường làng, ngõ xóm được bê tông đều có công lao góp sức lao động của vợ chồng Ui. Bà Kêr Thị Hoàng, công chức Văn phòng-Thống kê UBND xã A Ngo thông tin, các hộ nghèo của bản Lào trên địa bàn A Ngo đều được hỗ trợ xây nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, con em được xem xét miễn giảm học phí. Đời sống của các hộ cơ bản ổn định, không còn cảnh nghèo đói như trước.

Cuộc sống dần đi vào ổn định, bà con người Lào định cư, sinh sống ở A Ngo tích cực tham gia các hoạt động, phong trào phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng tại địa phương. “Trong hành trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của A Ngo có sự nỗ lực, góp công của các hộ dân Lào sinh sống trên địa bàn”, Kêr Thị Hoàng khẳng định.

Chúng tôi ngược lên vùng biên giới xã Quảng Nhâm, nơi có đến 80 hộ dân bản Lào đang định cư, sinh sống. Con đường quanh co dẫn chúng tôi đến các hộ dân trên rẻo cao xa xôi này đã được bê tông sạch đẹp. Dừng chân tại một quán hàng tạp hoá ở thôn Âr Kêu Nhâm để mua nước giải khát, chúng tôi thật sự bất ngờ khi chủ hàng quán này là một người Việt gốc Lào có tên A Viết Thị Nos.

Cuộc tìm kiếm mưu sinh trên vùng đất huyền thoại của Nos như bao hộ dân Lào trên đất A Lưới, cũng trải qua bao năm tháng thăng trầm với muôn vàn gian khó. Nos cùng chồng ngày ngày phải băng rừng, vượt suối, bươn chải đủ nghề, đủ thứ việc để mong kiếm cái ăn hàng ngày.

Nos tâm sự: “Có những ngày mưa lũ không thể vào rừng hái rau, bẻ măng, làm củi đổi lấy khoai sắn, bột mì, gạo thì thường thiếu cái ăn. Những lúc này, người dân bản địa và cả người Lào cùng cảnh ngộ có gì chia sẻ nấy với vợ chồng Nos. Dẫu cái ăn chưa đủ, còn thiếu thốn trăm bề nhưng tình người với nhau trên đất A Lưới thì không hề thiếu, luôn sưởi ấm lòng người”.

Vợ chồng A Viết Thị Nos được chính quyền địa phương hỗ trợ, vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A Lưới 60 triệu đồng để xây nhà ở kiên cố trên diện tích 80mđược bố mẹ chồng cho. “Có được ngôi nhà ở kiên cố để che nắng che mưa là ước mơ của mình từ lâu lắm. Cái ngày vào ở nhà mới, mình mừng lắm. Đây là kỷ niệm trong đời mình không bao giờ quên”, Nos trải lòng.

Hòa nhập và cùng nhau bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc

Nos bảo: “Có nhà ở ổn định, an cư rồi thì phải cố gắng tìm mọi cách để lạc nghiệp, có cuộc sống ổn định”. Từ nguồn vốn dành dụm được sau nhiều năm, Nos mạnh dạn mở quán hàng tạp hoá phục vụ nhu cầu đời sống của bà con trong thôn để kiếm đồng ra đồng vào. Chồng Nos làm thêm nhiều nghề, tuy vất vả nhưng có được nguồn thu nhập khá ổn định, bình quân mỗi tháng 5 triệu đồng cũng đủ để lo cho con ăn học.

Trời chuyển dần về trưa, Nos vẫn miệt mài công việc dệt zèng, kết hợp chỉ dạy nghề truyền thống này cho các cháu nhỏ tại thôn Âr Kêu Nhâm. Nos cho hay, nguồn thu nhập từ nghề zèng chưa phải là chính của người dân bản Lào và đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới, nhưng giá trị lớn và cốt lõi là bảo tồn nét đẹp văn hoá trong đời sống của người dân hai nước đã có từ lâu đời. Sản phẩm này vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là sản phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc Tà Ôi.

Hầu hết các hộ dân Lào sinh sống, định cư ở huyện A Lưới đến từ huyện biên giới Sá Muội (tỉnh Salavan) đa số là dân tộc Pa Cô và huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông) có hai dân tộc là Tà Ôi và Cơ Tu. Ngôn ngữ, trang phục, lễ hội hay các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ cũng như nhiều nét văn hóa khác... của người dân bản Lào rất tương đồng với cộng đồng Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu ở A Lưới.

Nos chia sẻ, tương đồng về ngôn ngữ của các hộ Lào và người dân bản địa giúp bà con rất dễ hoà nhập cuộc sống mới ngay từ những ngày đầu đặt chân trên vùng đất A Lưới. Khó khăn lớn lúc này của các hộ dân Lào là chưa biết nói tiếng Việt. Thế rồi, cũng chính từ lợi thế về ngôn ngữ bản địa, người dân bày cho nhau nói và viết tiếng Việt khá dễ dàng. Cha mẹ, người thân tự dạy cho con cháu học nói, viết tiếng Việt để được đến trường như bao đứa trẻ khác của người dân bản địa.

Tương đồng về văn hoá trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất cũng giúp cho các hộ bản Lào nhanh chóng hoà nhập với đời sống của người dân địa phương sở tại. Hàng năm, các dân tộc anh em của ba huyện biên giới Sá Muội, Kà Lừm, A Lưới thường mời nhau đến tham dự các lễ hội truyền thống dân tộc như lễ hội A Da, A Riêu Piing cũng như các sự kiện văn hóa khác mà ba bên tổ chức. Thông qua các hoạt động văn hóa này, các dân tộc anh em Sá Muội, Kà Lừm và A Lưới được gặp gỡ giao lưu, học hỏi để cùng nhau phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp tục khẳng định khối đại đoàn kết của hai dân tộc Lào - Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Ai cũng được chăm lo, khám chữa bệnh

Bà Kan Ron ở thôn KLeng ABung, xã Quảng Nhâm chia sẻ, những ngày đầu đến vùng đất mới, một trong những nỗi lo lớn nhất của các hộ dân bản Lào là bệnh tật có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Sinh sống ở huyện A Lưới một thời gian khá dài, nhưng nhiều hộ vẫn chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trong khi đời sống còn nhiều khó khăn, cái ăn chưa đủ thì lấy đâu ra tiền để khám chữa bệnh.

Điều đáng mừng với bà con bản Lào dù đã có quốc tịch, hay chưa có quốc tịch Việt Nam vẫn được các địa phương, lãnh đạo huyện A Lưới tạo mọi điều kiện để mỗi người dân có thể được khám chữa bệnh. “Lúc ốm đau bệnh tật, bà con đều đến trạm y tế xã, hoặc những lúc bệnh nặng thì đến Trung tâm Y tế huyện A Lưới đều được các bác sĩ, nhân viên y tế khám và cấp thuốc điều trị, chăm sóc rất tốt. Những ngày nằm điều trị tại bệnh viện, bà con còn được hỗ trợ ăn uống, không thiếu bữa nào”, bà Kan Ron xúc động.

Trong lúc trò chuyện cùng Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới, bác sĩ chuyên khoa II Hồ Bách Thắng thì bác sĩ này nhận được thông tin từ đơn vị có một người dân bản Lào (ở A Lưới) đến cấp cứu. Vị bác sĩ này yêu cầu các bác sĩ giỏi cùng kíp trực của bệnh viện lập tức khám và điều trị ngay. Bác sĩ Thắng nói, chưa bao giờ chúng tôi phân biệt giữa người Lào và đồng bào bản địa A Lưới, mà xem bà con như người thân ruột thịt, cũng như dân địa phương mình. Đã có rất nhiều trường hợp bà con Lào chuyển tuyến đến khám, điều trị tại bệnh viện đều được các bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc rất tốt. Một số loại bệnh thường gặp đối với đồng bào như sốt rét rừng, sốt xuất huyết… đến nay từng bước được đẩy lùi.

Bá Trí (BTTH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.141.514
Truy cập hiện tại 3.328