Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quảng Điền, cơ quan đã chủ trì tham mưu UBND huyện tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Thôn thực hiện tốt quy ước văn hóa gắn với nếp sống văn minh trong việc tang” tại các địa phương: thôn Thành Trung (xã Quảng Thành), thôn Hạ Lang (xã Quảng Phú), tổ dân phố Uất Mậu (thị trấn Sịa), thôn Niêm Phò (xã Quảng Thọ). Đồng thời huyện cũng đã triển khai vận động người dân thực hiện 05 tuyến đường không rải vàng mã khi đưa tang trên địa bàn thị trấn Sịa và các đường liên xã của huyện.
Với đặc điểm của những địa phương trên địa bàn huyện Quảng Điền nói chung, người dân có những truyền thống riêng trong tổ chức tang lễ, bên cạnh những giá trị tốt đẹp như: tinh thần “tương thân tương ái”, hiếu hảo của cộng đồng thì việc tổ chức tang lễ những năm trước đây tồn tại nhiều nghi thức thiếu lành mạnh và hủ tục lạc hậu như: thời gian để tang dài, tổ chức ăn uống linh đình khi đưa tang, đốt, rải thả vàng mã rất nhiều, thực hiện các hoạt động mê tín…
Trước thực trạng đó, nhằm từng bước xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang, năm 2016 Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp với UBND các địa phương chọn một số thôn, tổ dân phố để triển khai mô hình điểm “Thực hiện tốt quy ước văn hóa gắn với nếp sống văn minh trong việc tang”. Với mục đích mô hình phải gắn với tình hình thực tiễn và thu hút sự tham gia tích cực của người dân, các đơn vị liên quan đã nhiều lần tổ chức họp dân, cùng thảo luận, lấy ý kiến và thống nhất nội dung quy chế thực hiện mô hình. Tiếp đó, UBND xã, thị trấn đã ra Quyết định ban hành Quy chế và thành lập Ban vận động thực hiện mô hình. Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy chế được triển khai thường xuyên thông qua các buổi hội họp của các đoàn thể trong tổ dân phố, xây dựng các tin, bài phát trên Đài truyền thanh. Đồng thời, tóm tắt nội dung Quy chế in thành các pano dựng tại nhà văn hóa cộng đồng, các trục đường chính của tổ, thôn để nguời dân dễ dàng tiếp cận, nắm được những nội dung cơ bản của Quy chế để thực hiện. Ngoài ra, đã đưa một số nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang vào Quy ước văn hóa của thôn, tổ dân phố. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự tích cực, quyết tâm của các thành viên Ban vận động, việc triển khai thực hiện mô hình đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của bà con, việc tổ chức tang lễ trên địa bàn các địa phương thực hiện mô hình có nhiều chuyển biến tích cực.
Trước hết phải kể đến thời gian để tang, trước đây các đám tang đều để rất dài ngày, trung bình từ 5-7 ngày, thậm chí 8 ngày thì đến nay các đám tang đều để tang không quá 3 ngày (không kể ngày đưa và ngày mất). Việc cử nhạc tang cũng được thực hiện tốt hơn, không cử nhạc tang trước 5 giờ sáng và sau 22 giờ đêm, âm thanh đảm bảo không gây ồn. Đặc biệt, các đám tang không mời rượu khi khách đến viếng, không tổ chức linh đình như trước đây mà việc ăn uống chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình tang chủ. Việc tổ chức lễ viếng, đưa tang được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, không còn các nghi lễ có tính chất mê tín dị đoan, việc rải và đốt, thả vàng mã được hạn chế rất nhiều. Đơn cử tại tổ dân phố Uất Mậu (thị trấn Sịa), việc đưa tang đã được quy định diễn ra trước 8 giờ sáng (trừ trường hợp trong tổ dân phố có 2 đám tang đưa cùng một ngày). Trước đây do không quy định thời gian đưa tang cụ thể, có nhiều đám tang đưa vào sáng sớm, buổi trưa, hoặc buổi chiều, như vậy những người đi đưa tang có khi phải mất cả ngày. Nhưng với quy định mới về thời gian đưa tang, đã giúp tiết kiệm thời gian, người dân sau khi đưa tang về vẫn có thời gian để lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, tổ dân phố Uất Mậu đã đưa vào một nội dung trong quy chế là “khuyến khích một số hoạt động trong tổ chức tang lễ”, cụ thể: sau đám tang, tùy theo điều kiện của tang chủ có thể ủng hộ vào quỹ của tổ dân phố một số tiền nhất định nhưng không quá 5 triệu đồng (những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn thì Ban vận động sẽ không nhận). Số tiền này được dùng để mua sắm các vật dụng phục vụ việc đưa tang như: xe tang (trước đây phải gánh trực tiếp), áo quần của đội âm công, xây 01 nhà chờ làm điểm dừng chân cho đám tang là con dân trong tổ dân phố ở xa hoặc những địa phương khác đưa về an táng tại nghĩa trang của tổ dân phố có thể tổ chức phúng điếu hoặc một số lễ cúng… Đây là cách làm rất hiệu quả, vừa phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng, vừa góp phần tiết kiệm thời gian, tiền của cho người dân, đặc biệt là các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn khi có người thân qua đời.
Hiện nay các địa phương triển khai mô hình “Thôn thực hiện tốt quy ước văn hóa gắn với nếp sống văn minh trong việc tang” ở Quảng Điền đã tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng thực hiện trên địa bàn.