Được biết đến Huế là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, từng là thủ phủ của Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn (1558-1775), kinh đô của hai triều đại Tây Sơn (1788-1801) và triều Nguyễn (1802-1945). Đây là vùng đất của Bảo tàng, của di sản văn hóa và chứa đựng các giá trị truyền thống văn hóa của Việt Nam. Đến nay Cố đô Huế sở hữu 05 danh hiệu di sản thế giới do UNESCO công nhận, trong đó có 3 loại hình: Di sản vật thể (Quần thể di tích kiến trức cung đình), phi vật thể (Nhã nhạc) và di sản tư liệu (Mộc bản Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế). Hiện nay, Cố đô Huế là một trong những trung tâm văn hóa du lịch hàng đầu của Việt Nam, mỗi năm có hàng triệu lượt khách đến thăm. Việc giới thiệu, quảng bá về Huế thông qua xuất bản một cuốn sách với nhiều ngôn ngữ, những hình ảnh sinh động và chân thực là hết sức cần thiết để khám phá những nét đẹp thiên nhiên, con người, di sản Huế, và đặc biệt là những dấu tích cổ xưa của các kiến trúc cung đình dưới thời các chúa Nguyễn.
Khác với phần lớn các cuốn sách ảnh hay sách viết về du lịch Huế trước đó, thường chỉ nặng về phần ảnh đẹp, hay nặng về phần giới thiệu kiểu cung cấp thông tin cho du khách. Cuốn sách “Cố đô Huế - Lịch sử và văn hóa” với 176 trang bằng những lời văn nhẹ nhàng dung dị được phiên dịch 3 loại ngôn ngữ Nga, Anh, Việt, kèm những hình ảnh sinh động, tràn đầy hơi thở của cuộc sống, bắt đầu từ sự hình thành kinh đô, ngôi chùa, nhà vườn, hoàng cung, các biểu tượng của hoàng đế, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, triết lý từ quần thể lăng tẩm hoàng gia, những con voi đến những câu chuyện về ẩm thực cung đình, dân gian, nhã nhạc và dòng sông Hương.., đây sẽ là một kho báu để giới thiệu những người yêu thích Huế, du khách không chỉ là người Việt Nam, người Nga và các nước nói tiếng Nga, mà dành cả cho những du khách quốc tế tiếp cận và tìm hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa lịch sử của các di tích trên mãnh đất Cố đô Huế.
Để có được cuốn sách này, Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ: “Năm 2018, khi nhà văn người Nga Tatjana Bogina cùng ông Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên BCH Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đến Huế, tôi là một trong những người đầu tiên được họ chọn để gặp gỡ và trao đổi về mục đích của chuyến khảo sát. Kỳ thực, mới đầu, khi nghe nguyện vọng của bà Tatjana Bogina về việc muốn biên soạn một cuốn sách ảnh về cố đô Huế tôi chưa quan tâm nhiều, đơn giản vì trước đó đã có không ít cuốn sách hay, đẹp về Huế. Nhưng càng nghe bà nói, quan sát cách thể hiện của bà, tôi càng bị thuyết phục. Đây là một người Nga rất đặc biệt, sự tâm huyết và tình cảm yêu mến mà bà dành cho Huế thật hiếm có. Ngay từ lúc ấy, tôi đã tin rằng, Tatjana sẽ có một công trình hay về Huế. Và tôi đã không nhầm. Hôm nay, khi đã cầm trên tay và đọc xong cuốn Cố đô Huế - Lịch sử và văn hóa, tôi thực sự rất vui. Vui lắm vì Huế lại có thêm một tác phẩm hay, một người bạn quý đã gửi gắm những tâm huyết và tình cảm yêu mến mà bà dành cho Huế, để hôm nay Huế có thêm một vị đại sứ để đưa các giá trị văn hóa vô giá của vùng đất này đến với thế giới”.