Theo đó, đánh giá chung tại thông báo kết luận Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hóa lớn, đặc sắc của cả nước, vừa mang dáng vấp hiện đại, vừa mang nét đẹp cổ kính với nhiều di sản văn hóa thế giới, giàu tiềm năng để phát triển du lịch”, việc đề xuất hướng phát triển xây dựng Đô thị di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường là phù hợp với thế mạnh của tỉnh và chủ trương của Đảng trong giai đoạn hiện nay".
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các Bộ, ngành để xem xét các tiềm năng, lợi thế hiện có để xây dựng cơ chế chính sách riêng phù hợp cho việc phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng Đô thị di sản đặc thù - thành phố trực thuộc Trung ương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn Trung ương, lãnh đạo Tỉnh thăm các hộ dân thuộc diện di dời tại khu vực 1, Kinh thành Huế
Về mở rộng ranh giới Thành phố Huế theo hướng hình thành đô thị trung tâm với trục cảnh quan dọc theo sông Hương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cơ bản nhất trí với chủ trương mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế để có đủ không gian phát triển đô thị phù hợp với định hướng bảo tồn di sản văn hóa và thân thiện môi trường. Tuy nhiên, việc mở rộng này cần gắn kết chặt chẽ với quan điểm, mục tiêu và kế hoạch sắp sếp lại các đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2019 - 2021 theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Ban Chấp hành trung ương Đảng và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH12 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.
Liên quan đến kiến nghị về cơ chế hỗ trợ có mục tiêu để phục hồi, tôn tạo các hạng mục di tích Cố đô Huế giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh cần đề xuất cụ thể với Chính phủ để có phương án cân đối nguồn vốn, tổng hợp trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành. Đồng thời, tỉnh cũng cần quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc và văn hóa Huế. Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường hiệu quả các kỳ Festival Huế, quảng bá văn hóa Huế, nhất là các loại hình di sản đã được UNESCO công nhận;...