Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đất Thừa Thiên Huế
Năm 1996, tỉnh Thừa Thiên Huế phát động Phong trào Xây dựng làng văn hóa và đến năm 1997, làng Tây Thành xã Quảng Thành của huyện Quảng Điền đăng ký xây dựng làng văn hóa đầu tiên ghi nhận bước đột phá mới trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Để bảo đảm cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) phát triển sâu rộng trên toàn quốc, năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 235/1999/TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào, trên cơ sở đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH cấp tỉnh, huyện, xã với vai trò quan trọng tập hợp các phong trào văn hóa vào một Ban Chỉ đạo chung để thống nhất hành động, khắc phục chồng chéo trong triển khai các phong trào văn hóa. Nội dung cơ bản của phong trào TDĐKXDĐSVH được thể hiện ở các hoạt động chủ yếu: Phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, xoá đói giảm nghèo; Xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh; Xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật; Xây dựng môi trường văn hoá sạch - đẹp - an toàn; Xây dựng các thiết chế văn hoá - thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - thể thao cơ sở.
Tổng kết thực tiễn triển khai thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1999 – 2019, đã khẳng định: Phong trào TDĐKXDĐSVH thời gian qua thực sự đã đi vào cuộc sống, lan tỏa vào từng lĩnh vực trong xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua các nội dung hoạt động của phong trào, người dân và các tổ chức, đoàn thể xã hội đã phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm hỏi, động viên, thể hiện lòng biết ơn đối với người có công với đất nước. Phong trào đã góp phần gắn kết người dân nêu cao ý thức trách nhiệm, tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiều nội dung phong trào đã được triển khai sâu rộng, được các cấp, các ngành vận dụng sáng tạo, người dân tự giác thực hiện nghiêm túc.
Thông qua phong trào, mỗi làng (thôn, bản), tổ dân phố văn hóa trên địa bàn tỉnh đều mang một nét văn hóa riêng và đã được gìn giữ khá trọn vẹn. Quy ước xây dựng đời sống văn hóa của mỗi địa phương, đơn vị đều ghi rõ những điều phải chấp hành thực hiện để bảo tồn nét văn hóa riêng tốt đẹp của mình. Những hoạt động, sinh hoạt hội hè mang đậm chất văn hóa làng như: Lễ hội Cầu mùa, Đâm trâu, Cơm mới của đồng bào miền núi; Lễ hội Đua thuyền truyền thống, Cầu Ngư ở vùng đầm phá ven biển; Xuân tế, Thu tế (Xuân Thu nhị kỳ), Hội chợ xuân Gia Lạc, hội vật, hội Đu tiên; Hát trò, Hát sắc bùa... được gìn giữ và phát huy. Đáng chú ý là sự phục hồi, phát triển làng nghề truyền thống và việc trùng tu, tôn tạo và bảo vệ ngôi đình làng của mỗi dòng họ. Đối với các di tích lịch sử và di tích văn hóa, ý thức bảo vệ của người dân được nâng cao do đó công tác bảo tồn, tôn tạo di tích tại các địa phương tiến hành thuận lợi hơn. Qua phong trào đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện nghị quyết của Đảng, coi trọng phát triển nhân tố văn hoá truyền thống gắn với bồi đắp những giá trị văn hoá hiện đại, chống lại những tiêu cực trong đạo đức, lối sống, tạo môi trường sống lành mạnh trong các làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hoá, cơ quan đơn vị làm cho văn hoá thấm sâu vào từng gia đình và từng cá nhân.
Để phong trào thực sự là động lực, nền tảng của sự phát triển xã hội
Trong giai đoạn hiện nay, Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển trên cơ sở kế thừa tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1237/1277 làng, (thôn, bản), tổ dân phố đăng ký xây dựng đời sống văn hóa, đạt tỷ lệ 96,86%; trong đó có 1215 làng, (thôn, bản), tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 98,2%. Về phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đến nay toàn tỉnh có 276,729 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 95,2%. Trong đó có 254,210 gia đình được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 91,86% so với đăng ký. Nhìn chung việc triển khai thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đang từng bước đi vào chất lượng, việc vi phạm các tiêu chí chủ yếu ở nội dung sinh con thứ 3 trở lên. Hàng năm tỷ lệ công nhận đạt chuẩn văn hóa các danh hiệu ở các địa phương đều đạt từ 80% trở lên. Việc triển khai Phong trào trên địa bàn tỉnh đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, tuy nhiên chất lượng của Phong trào còn chưa đồng đều, thiếu bền vững. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định.
Công tác chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Phong trào chưa được các cấp, các ngành tổ chức thường xuyên. Quá trình triển khai vẫn còn những địa phương thiếu chú trọng đến chiều sâu và tính bền vững của Phong trào; Đội ngũ cán bộ tham mưu, tổ chức thực hiện Phong trào ở các cấp (đặc biệt là ở phường, xã) chưa ổn định, thiếu kinh nghiệm và chuyên môn nên công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo chưa hiệu quả; Kinh phí triển khai Phong trào còn quá hạn hẹp, đặc biệt là kinh phí truyền thông, khen thưởng, động viên Phong trào; Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang tuy có những chuyển biến tuy nhiên khu vực đô thị chuyển biến chậm hơn so với nông thôn; một số cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức thiếu gương mẫu so với người dân; Trong công tác quản lý, kiểm tra sau khi được công nhận đạt chuẩn văn hóa ở một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc. Công tác đánh giá công nhận chưa toàn diện, chưa thấy được những nét đặc biệt nổi bật của từng địa phương, đơn vị để nhân rộng, phát huy.
Nhìn nhận và đánh giá mặt ưu điểm và những hạn chế của phong trào trên địa bàn tỉnh thời gian qua, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đã chủ động tham mưu một số giải pháp cụ thể, hiệu quả tiếp tục thực hiện phong trào. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành những quyết định quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu về việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cho ngành văn hóa đã tạo nhiều thuận lợi để việc phát triển phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ngày một chất lượng và hiệu quả hơn (Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về việc xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức triển khai thực hiện phong trào, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp, trong đó đặc biệt là ở cấp huyện, xã cần xây dựng kế hoạch phối hợp các ban, ngành địa phương triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của phong trào. Khuyển khích, vận động nhân dân tham gia, hưởng ứng xây dựng con người Việt Nam có lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh, tôn vinh, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, cao thượng, nhân văn; đấu tranh phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, trái đạo lý.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị xã đạt chuẩn văn minh đô thị. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động truyền thông gắn với triển khai thực hiện phong trào, nhất là gương các điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ... Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động của phong trào. Đổi mới công tác kiểm tra; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phong trào; tổ chức tuyên truyền sâu rộng những gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phong trào cần nhân rộng.
UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các xã, phường, thị trấn căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào, bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân; chỉ đạo các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phong trào tại địa phương thực hiện nghiêm túc trong kiểm tra, giám sát, phúc tra việc xét tặng các danh hiệu văn hóa; kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức, chạy theo thành tích trong xét tặng các danh hiệu văn hóa...