Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 1.185

"Ngày hội Áo dài" là một trong những hoạt động quan trọng tại Festival Huế, là hoạt động thường niên trong Festival bốn mùa cho Huế
Lượt đọc: 11787Thời gian: 14:40 - 13/12/2019

(VHH) - Đó là phát biểu nhấn mạnh của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tại buổi họp báo cáo Đề án tổ chức “Ngày hội Áo dài Huế” do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì thực hiện diễn ra chiều ngày 12/12/2019 tại Văn phòng UBND tỉnh. Cùng dự buổi họp có lãnh đạo các đơn vị: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài Chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Festival Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND thành phố Huế.

Báo cáo tại buổi họp, đồng chí Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nêu sự cần thiết về việc xây dựng Đề án tổ chức “Ngày hội áo dài Huế; trong đó việc xây dựng Đề án nhằm phát huy thế mạnh của văn hóa Huế trong các kỳ Festival Huế, đổi mới các hoạt động Festival theo hướng tăng cường tổ chức các chương trình nghệ thuật, quảng diễn mang tính cộng đồng, qua đó phát huy vai trò của người dân, cộng đồng cùng tham gia hưởng ứng. Đồng thời đây là sự kiện nhằm tôn vinh Chúa Nguyễn Phúc Khoát (năm 1744) chủ trương cải tổ triều phục, cải cách trang phục dân gian Đàng Trong, áo dài ra đời và trở thành trang phục chính thức. Thông qua hoạt động nhằm đa dạng hóa quảng bá về áo dài để xây dựng hình ảnh, thương hiệu Huế trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, là kinh đô của áo dài Việt Nam...

Nội dung của Đề án được thực hiện 3 phần chính: “Tri ân tiền nhân khai sáng áo dài Việt Nam” là hoạt động Lễ dâng hương, tôn vinh ghi nhớ công ơn Chúa Nguyễn Phúc Khoát và Vua Minh Mạng có công khai sáng trang phục áo dài Việt Nam tại Lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát, Lăng Vua Minh Mạng; “Chương trình biểu diễn thực cảnh Áo dài xưa và nay” nhằm giới thiệu vẽ đẹp áo dài xưa của các phụ nữ quyền quý, áo mệnh phụ, áo nhật bình.. cùng với nhiều kiểu trang phục ngày nay, kết hợp giới thiệu ẩm thực và cung cách, đời sống sinh hoạt, dự kiến trình diễn ở các địa điểm Cầu Trường Tiền, Cầu đi bộ sông Hương, Hồ Tịnh Tâm, Vườn Cơ Hạ; “Chương trình phát động người dân tham gia mặc áo dài trong thời gian diễn ra Festival Huế và quảng diễn áo dài Huế trong các hoạt động cộng đồng với phụ nữ Huế nói chung, cán bộ công chức, viên chức, các nữ sinh viên, học sinh Huế trên địa bàn tỉnh; đặc biệt trong chương trình này UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, ban ngành liên quan kêu gọi toàn bộ nữ cán bộ, công nhân viên, lực lượng giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia hưởng ứng mặc áo dài trong những ngày diễn ra Festival Huế.

Sau khi nghe Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải báo cáo việc xây dựng Đề án “Ngày hội Áo dài Huế”, cùng các ý kiến trao đổi của các thành viên dự họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu nhấn mạnh: Đã từ lâu áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Huế, tạo thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Cố đô nói chung, của cộng đồng nữ giáo viên và nữ học sinh, sinh viên nói riêng. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai các chương trình hoạt động cụ thể, mong muốn để áo dài Huế có cơ hội quay lại “Một thuở vàng son”. Tiêu biểu, từ tháng 9/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quy định toàn thể nữ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện mặc trang phục áo dài truyền thống vào ngày thứ hai hàng tuần; cùng với hoạt động này, Chủ tịch UBND tỉnh đã kêu gọi sự chung sức của nhà trường, hội cha mẹ học sinh trong việc phát động và khuyến khích nữ cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên mang trang phục áo dài truyền thống tối thiểu hai đến ba ngày trong tuần. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế miễn phí cho phụ nữ mang áo dài vào tham quan quần thể di tích cố đô Huế.

Để tiếp tục tôn vinh bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của phụ nữ vùng đất cố đô và tạo thành một sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của Thừa Thiên Huế đòi hỏi cần thiết phải xây dựng Đề án “Ngày hội áo dài Huế”, đưa hoạt động Ngày hội áo dài là một trong những hoạt động thường niên trong 4 mùa Lễ hội và đặc biệt là tại Festival Huế. Để đề án được thực hiện một cách có hiệu quả, sâu rộng, lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị Sở Văn hóa vàThể thao sớm hoàn thiện Đề án, đồng thời yêu cầu các Sở, ngành, các đơn vị liên quan cần tham gia, đóng góp ý kiến để bổ sung, hoàn thiện Đề án đảm bảo theo yêu cầu, tiến độ đặt ra.

svhtt.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL