Chiến tích
Khởi đầu cho những thành tích ấn tượng của năm 2019 là tại giải cờ vua trẻ châu Á diễn ra ở Sri Lanka từ 2-10/4, các kỳ thủ Thừa Thiên Huế đã xuất sắc giành 2HCV, 1HCB và 4HCĐ, do công của Lê Thái Nga, Nguyễn Hà Khánh Linh và Hà Phương Hoàng Mai.
Sau thành tích ấn tượng của cờ vua, các VĐV Karatedo đã ghi dấu ấn tại Thái Lan – nơi diễn ra giải vô địch Karatedo Đông Nam Á từ 10-14/4, khi chỉ với 3 VĐV, nhưng các võ sĩ Cố đô giành 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ, do công của Lê Minh Thuận; Hồ Thị Hạ và Hồ Đình Thuận.
Ở môn bắn cung, sau khi bắt kịp kỷ lục quốc gia thiết lập vào năm 2017 và tồn tại cho đến nay ở nội dung cung 1 dây 60m nữ tại giải vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc tổ chức vào tháng 4 ở Hà Nội, VĐV Nguyễn Thị Thanh Nhi tiếp tục gây nên “địa chấn” khi với 352 điểm giành được ở cự ly 30m cung 1 dây, nữ VĐV này đã phá kỷ lục cũ tồn tại hơn 1 thập kỷ và thiết lập nên kỷ lục quốc gia mới.
Là bộ môn đã và đang gầy dựng được vị thế ở làng vật cả nước, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi tuyển vật Huế có một tuần thi đấu thành công tại giải vô địch & vô địch vật trẻ Đông Nam Á 2019 diễn ra ở Thái Lan từ 26/9-3/10. Điều đáng nói, góp mặt trong tuyển vật Việt Nam với 8 VĐV, nhưng các VĐV đến từ tuyển vật Huế đã đóng góp đến 12 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ.
Gần đây nhất, tại SEA Games 30 ở Philippines, đóng góp 3 VĐV cho đoàn thể thao Việt Nam, thể thao Huế đã giành được 1 HCV vật tự do (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh), 1 HCB, 1 HCĐ điền kinh (Trần Thị Yến Hoa) và 1 HCĐ Sambo (Dương Thị Quỳnh Như).
Trong những chiến tích của thể thao Huế, có lẽ ấn tượng nhất là môn đá cầu khi HLV Nguyễn Văn Hiền và VĐV Nguyễn Thị Thùy Linh đã làm nên lịch sử cho bộ môn đá cầu nói riêng, thể thao Huế nói chung bằng tấm HCV ở giải đá cầu vô địch thế giới hồi tháng 8 tại Pháp.
Nói về những thành quả thể thao Huế đạt được trong năm 2019, theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao đó là kết quả mà những thế hệ đi trước đã vun đắp, bản thân ông Hải chỉ là người kế thừa. “Có chăng, chỉ là những ủng hộ về mặt tinh thần, từ đó tạo thêm sự cộng hưởng, giúp VĐV, HLV nhiệt huyết hơn trong tập luyện, thi đấu”, ông Phan Thanh Hải nói.
Hai thầy trò HLV Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Thị Thuỳ Linh - những người làm nên lịch sử cho thể thao Huế
Lợi thế & tầm nhìn dài hơi
Ở góc nhìn bao quát, ngoài bề dày cùng những đầu tư nhất định cho thể thao đỉnh cao, thì hiện thể thao phong trào đang được người dân Cố đô đang rất quan tâm. Bằng chứng là dù tổng thể kinh tế - xã hội của Huế chưa bằng nhiều nơi, nhưng những đầu tư tương ứng cho thể thao lại rất tốt. Không tính ở thành phố, bây giờ các huyện, thị nơi nào cũng có sân tennis, cầu lông, sân bóng đá... Ngoài TX. Hương Thủy có đến 3 bể bơi, ở vùng núi khó khăn như A Lưới vẫn có tư nhân đầu tư xây dựng bể bơi.
“VĐV Huế chịu khó, chịu khổ, nhạy bén, thông minh. Người dân Huế lại rất mê thể thao. Những yếu tố này kết hợp với những gì Huế đang có, như cơ sở vật chất, nơi đào tạo những bộ môn chuyên sâu, chế độ hợp lý, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo... là cơ sở để tài năng thể thao ngày càng xuất hiện nhiều hơn, vừa làm hạt nhân phát triển phong trào, vừa nhiều thêm cơ hội giúp thể thao Huế ngày càng gặt hái nhiều thành tích ở các đấu trường đỉnh cao”, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao chia sẻ.
Cách đây 20 năm, những đầu tư cho công tác đào tạo, cho cơ sở vật chất rất hoành tráng. Thời điểm đó, thể thao đỉnh cao của Huế cũng được bạn bè nhắc đến rất nhiều. Nhưng đáng lý ra, từ nền tảng đó, chúng ta mạnh dạn có chiến lược đầu tư liên tục ở những năm tiếp theo, thì vị thế thể thao của Huế trên bản đồ thành tích quốc gia sẽ khác hơn, những cơ sở vật chất, như: sân vận động, nhà thi đấu, tập luyện... sẽ khác hơn.
“Bắt đầu từ năm 2020, từ tình hình chung của thể thao cả nước, thể thao Huế sẽ soi rọi vào đó để tự đánh giá, để nhìn ra đâu thật sự là tiềm năng, là thế mạnh, tiến tới có hướng đầu tư hơn nữa trên tinh thần hiệu quả, bền vững, không dàn trải. Ngoài 9 môn trọng điểm, hiện Huế có thêm 2 môn bắn cung và đá cầu, đây hiện được xem là thế mạnh. Có thể, Huế sẽ sắp xếp lại, chọn ra khoảng 3-5 môn để đầu tư mạnh hơn, đồng thời, tiếp tục có cơ chế phù hợp để thu hút, níu giữ nhân tài”, ông Hải tiết lộ về tầm nhìn của thể thao Huế đến năm 2030.
Nhưng dự định để xây dựng nền tảng thể thao vững chắc theo hướng bền vững của ông Phan Thanh Hải và ngành thể thao không chỉ ngang đó.
“Quả thật, Huế vẫn chưa hoàn thiện trong công tác đào tạo VĐV, nhất là những yếu tố về tri thức, về tâm sinh lý... Để giải quyết những hạn chế này, bên cạnh tham khảo những trung tâm thể thao hiện đại có công tác đào tạo ở cấp đại học, thể thao Huế sẽ tìm ít nhất là một bác sĩ tâm lý song hành cùng các VĐV từ lứa tuổi măng non đến khi trưởng thành, giúp VĐV có nền tảng tốt hơn về mọi mặt”, ông Phan Thanh Hải chia sẻ.
Ngoài tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, huấn luyện, thu hút nhân tài, khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết từ trên xuống dưới thì làm thế nào giải quyết việc làm cho VĐV sau khi giải nghệ là nan đề đang được ngành thể thao quan tâm.
Như chia sẻ của Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Phan Thanh Hải, việc thành lập một hội quán thể thao - nơi vừa là điểm giao lưu, vừa để tạo việc làm cho các VĐV sau khi giải nghệ cũng là một hướng đi có tính đột phá và khả thi, bởi nếu thành hiện thực, đây chính là hội quán thể thao đầu tiên trên cả nước ra đời với mục đích nhân văn là tạo sự ấm áp, sẻ chia, và tạo công việc cho những VĐV gặp hoàn cảnh khó khăn sau khi giải nghệ.
Sau một năm “được mùa” cùng chặng đường “hình sin” trước đó của thể thao Huế, từ những chiến lược dài hơi mà ông Phan Thanh Hải cùng ngành thể thao sẽ thực hiện bắt đầu từ năm 2020, hy vọng, diện mạo thể thao Huế càng lúc khởi sắc hơn.