Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, sự hội nhập văn hóa, kinh tế với khu vực và thế giới, tình trạng ly hôn, ly thân, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp, tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào gia đình đang là những nguy cơ phá vỡ truyền thống tốt đẹp của gia đình. Đặc biệt là gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. Một trong những nguyên nhân chính đó là do một số gia đình chưa xem trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trẻ trong gia đình, chưa nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước thực trạng đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án, Kế hoạch nhằm tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Gần đây nhất là Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 12 năm 2017 về Ban hành thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” với mục đích phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Thừa Thiên Huế là một trong 12 địa phương (Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Tp Hồ Chí Minh, An Giang) đại diện cho 7 vùng, miền trên cả nước thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí.
Phường Phú Thuận, thành phố Huế và xã Bình Thành, thị xã Hương Trà được Sở Văn hóa và Thể thao chọn triển khai thí điểm các hoạt động của Bộ Tiêu chí, bao gồm các hoạt động tuyên truyền trực quan; tổ chức Lễ phát động, đăng ký thực hiện các tiêu chí ứng xử; sinh hoạt chuyên đề về các tiêu chí ứng xử trong gia đình như: ứng xử giữa vợ chồng: chung thủy, nghĩa tình; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: gương mẫu, yêu thương; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: hiếu thảo, lễ phép; ứng xử của anh, chị, em: hòa thuận, chia sẻ. Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ được thực hiện thí điểm từ 2019-2020. Sở Văn hóa Thể thao phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền về các tiêu chí ứng xử cụ thể. Khi các tiêu chí này được cụ thể hóa và tuyên truyền sâu rộng, sẽ giúp người dân hiểu đúng và ứng xử đẹp hơn, giúp bảo tồn và phát huy các truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình. Sở sẽ tập trung tuyên truyền cao điểm vào các dịp Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6). Năm 2021 mô hình sẽ được nhân rộng ra toàn tỉnh”.
Nguyên tắc ứng xử của gia đình Việt Nam nói chung và xứ Huế nói riêng luôn tồn tại và thích nghi với điều kiện kinh tế - xã hội qua mỗi thời kỳ của đất nước. Ví dụ như việc “đi thưa về trình” là một nề nếp trong gia đình Huế và nó không thể thiếu được khi nói về một gia đình có văn hóa. Chính “gia phong, lễ giáo” ở Huế đã tạo ra trong mỗi gia đình phần lớn đều có gia quy, gia pháp, gia phong, gia đạo. Sự nghiêm khắc đến khắt khe này thực sự có tác dụng giáo dục con người ngay trong gia đình phải sống có thứ bậc, có trách nhiệm, không tuỳ tiện. Những nguyên tắc ấy được thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau trong quá trình lao động, học tập và giao tiếp trong gia đình và ngoài xã hội. Việc tổ chức gia đình tốt và giáo dục trong gia đình chu đáo sẽ có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách con người, tạo tiền đề quan trọng để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của đất nước trong quá trình phát triển. Vì vậy, giáo dục lối sống, ứng xử trong gia đình vừa có ảnh hưởng của cá nhân đối với cá nhân (giữa cha mẹ với con cái; giữa ông bà với cháu) vừa có ảnh hưởng của cả tập thể gia đình liên kết với nhau tác động đến từng cá nhân qua nếp sống ở mỗi gia đình.
Cùng với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” đã cụ thể hóa các chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa gia đình, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị, chuẩn mực văn hóa gia đình ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Vì vậy, phải thường xuyên giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình để góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Trưởng ban Văn hóa Xã hội xã Bình Thành: “Thôn Bồ Hòn chúng tôi gần 50% dân số là dân tộc ít người, chủ yếu làm lao động tự do, không có nghề nghiệp ổn định, đó là một khó khăn cho cán bộ xã khi tiếp cận từng nhà để tuyên truyền về các mối quan hệ, ứng xử trong gia đình. Trong 300 hộ đăng ký thực hiện, có rất nhiều hộ không biết đọc, viết, chúng tôi giải thích cặn kẽ từng tiêu chí một cho mọi người hiểu, nhớ để áp dụng. Thực ra những tiêu chí ứng xử này hằng ngày đã được người dân thực hiện, ví dụ như ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là phải hiếu thảo, lễ phép... Tuy nhiên, việc cụ thể hóa các tiêu chí ứng xử giúp mọi người dễ nhớ, nhắc nhở nhau cùng thực hiện, nâng cao ý thức hơn nữa đối với những chuẩn mực đạo đức, văn hóa gia đình.”
Bà Lê Thị Hồng Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPNVN tỉnh: “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở, sự chung tay phối hợp nhịp nhàng của các đoàn thể chính trị tại địa phương. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở văn hóa và Thể thao vận động cán bộ, hội viên đi đầu trong việc trong triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình... Bộ tiêu chí đã thu hút đông đảo sự quan tâm và hưởng ứng của quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình để xây dựng nên những gia đình hạnh phúc, bình đẳng và văn minh.”