Tham dự buổi tọa đàm có bà Trần Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Nguyên Trưởng ban Gia đình - Xã hội Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Bà Đào Thị Mai Hường - Nguyên Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, bà Phan Thị Minh Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ông Đồng Hữu Uy - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao. Đặc biệt là sự có mặt đông đủ của các đại biểu là 50 cặp vợ chồng thành viên của các Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, các thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố và các Chi hội trưởng, lãnh đạo Hội phụ nữ xã, phường, thị trấn.
Trong thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh trong vấn đề bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Điều này được thể hiện trong các quy định của chính sách và pháp luật, bảo đảm bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được ban hành và thực thi như: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2010-2020; Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020… Đặc biệt là Quyết định số 1464/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; người có nguy cơ bị bạo lực và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời nhằm ngăn ngừa bạo lực xảy ra và có cơ hội cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc… có thể coi là bước đột phá trong việc nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Tại buổi tọa đàm, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều chia sẻ tích cực từ phía các đại biểu, nhiều vấn đề về nơi tạm lánh khi bị bạo lực; làm sao để bạo lực gia đình không phải chỉ là việc riêng của mỗi nhà; vai trò của Hội LHPN trong tham gia giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình; vấn đề về kinh phí điều trị khi đến trạm y tế xã, nơi được đặt là địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh cho rằng: “Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6 % bị bạo lực hiện thời. Cứ 10 phụ nữ thì có 01 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%). Như vậy cáo thể thấy phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị bạo hành, xâm hại, bạo lực trên cơ sở giới. Buổi toạ đàm, đối thoại hôm nay là một cơ hội để chúng ta cùng chung tay đẩy lùi nạn bạo hành trong mỗi một gia đình, gẮn kết gia đình bằng tình yêu thương và chia sẻ.”
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đang là vấn đề báo động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là trở ngại lớn nhất trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Đặc biệt, tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em đang ngày càng diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội. Với mục tiêu vì sự an toàn, hạnh phúc cho phụ nữ và trẻ em, cho mỗi gia đình, buổi toạ đàm đã nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu tham gia. Đồng thời đây cũng là một hoạt động truyền thông có hiệu quả, nâng cao kiến thức cho người dân, tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa các cấp cấp, các ngành, đẩy mạnh thực thi luật pháp để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh.