Từ năm 1994 đến năm 2016, phong trào hoạt động của các CLB Ca Huế diễn ra khá sôi nổi, có những đóng góp tích cực cho phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh. Khi tham gia CLB các hội viên dù là nghệ sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều có những ràng buộc từ quy chế sinh hoạt riêng của mỗi CLB đề ra, đó là sự tham gia sinh hoạt đều đặn, mỗi tháng hai lần, nếu thành viên nào không chấp hành theo quy chế xem như bị loại ra khỏi CLB và không được cơ quan chuyên môn thẩm định cấp thẻ diễn viên. Từ những quy chế hoạt động đó, CLB Ca Huế đã duy trì sinh hoạt động của mình, thông qua mỗi buổi sinh hoạt, CLB đã mời các Nghệ nhân, các nghệ sĩ ưu tú về ca Huế đến truyền đạt kinh nghiệm và giảng dạy thêm về chuyên môn cho các hội viên. Song song với việc nâng cao, truyền dạy về kỹ năng chuyên môn, CLB đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các đơn vị cấp trên về quản lý, chấn chỉnh ca Huế trên sông Hương, thông báo kế hoạch thẩm định và các văn bản liên quan để hội viên có đủ kiến thức, đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện biểu diễn ca Huế.
Với hình thức và nội dung sinh hoạt của các CLB Ca Huế là phù hợp với yêu cầu hiện nay về việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian, trong đó có ca Huế và dân ca Huế. Thông qua hình thức sinh hoạt các CLB, thành viên CLB hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ca Huế và dân ca Huế với vai trò là người truyền bá văn hóa Huế, truyền bá những làn điệu dân ca Huế mang đậm bản sắc địa phương đến với du khách trong và ngoài nước, từ đó phát huy, lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa dân gian ca Huế và dân ca Huế trong đời sống xã hội thiết thực và mang hiệu quả cao về tính tuyên truyền.
Trong năm 2014, lần đầu tiên Liên hoan Dân ca Bình Trị Thiên được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế, thu hút nhiều đoàn nghệ nhân đến từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và các CLB trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia. Thông qua Liên hoan các CLB Ca Huế thuộc Thừa Thiên Huế đạt nhiều thành tích cao, được Ban Tổ chức đánh giá cao, có nhiều sự đầu tư về chuyên môn cũng như kỹ năng biểu diễn, đồng thời hội viên các CLB Ca Huế là những thành viên tích cực trong trong việc gìn giữ, phát huy, bảo tồn các làn điệu Ca Huế và dân ca Huế trong những năm vừa qua thông qua các cuộc Liên hoan, Hội diễn trong và ngoài tỉnh như: Câu hò nối những dòng sông, Tiếng hát làng Sen, Đàn và hát dân ca do Cục Văn hóa Cơ sở tổ chức. Điều đặc biệt tại Liên hoan lần này là các làn điệu khó lần đầu tiên được các nghệ nhân và các câu lạc bộ dân ca đưa vào trình diễn trên sân khấu nhằm bồi dưỡng các thế hệ nghệ nhân, các văn nghệ sĩ trẻ cũng như công chúng hiểu biết thêm về các loại hình dân ca này.
Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay, hoạt động các CLB Ca Huế hầu như không còn, điều đó trước tiên là quy định nghề nghiệp biểu diễn Ca Huế không còn bắt buộc phải là thành viên của các CLB Ca Huế để được cơ quan có thẩm quyền công nhận, cấp thẻ diễn viên. Thứ hai là chế độ ưu đãi, đãi ngộ cho các nghệ nhân không có, sự đam mê của lớp trẻ không nhiều, việc tuyên truyền loại hình Ca Huế đến với công chúng còn ít và thiếu...
Nguyên tắc hoạt động CLB là hình thức sinh hoạt tập hợp những người có cùng sở thích, tự nó sẽ tan rã sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, nhưng với mô hình hoạt động CLB Ca Huế thì đây là một loại hình đặc thù, ngoài việc đáp ứng nhu cầu, sở thích của hội viên thì đây là nơi truyền dạy, truyền bá loại hình dân ca đặc sắc này đến với nhiều thế hệ, đặc biệt là giới trẻ. Việc phát huy vai trò các CLB Ca Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là rất cần thiết, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc của ca Huế và dân ca Huế trong hiện tại và tương lai, thông qua các CLB Ca Huế, các nhân tố mới, hạt nhân phong trào dân ca sẽ được phát hiện, bồi dưỡng và kế thừa loại hình âm nhạc dân gian độc đáo này của vùng đất Cố Đô.