Coi trọng và tôn vinh di sản
Thừa Thiên Huế là vùng đất hội tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử, đỉnh cao là 7 di sản đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ. Ý thức sâu sắc di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đã nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị di sản.
Sự quan tâm ấy được thể hiện rõ qua việc bảo tồn, tu bổ Quần thể Di tích Cố đô Huế từ giai đoạn cứu nguy khẩn cấp sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững, thu hút đến 85% lượng khách đến Huế. Nhiều di tích quốc gia, như: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan và làng Dương Nỗ, di tích nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… đã được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo.
Việc điều tra, nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể, như các loại hình nghệ thuật cung đình, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống: Lễ hội Cầu Ngư, lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã Tắc, ca Huế… luôn được chú trọng. Huế cũng là thành phố khai sinh Festival ở Việt Nam. Các kỳ Festival Huế thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia, trở thành Festival văn hóa có thương hiệu. Thừa Thiên Huế cũng thực hiện tốt việc bảo tồn nhà vườn truyền thống, làng cổ Phước Tích, bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, vịnh biển Lăng Cô, Vườn Quốc gia Bạch Mã…
TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, Thừa Thiên Huế đã làm được nhiều việc trong quá trình xây dựng trung tâm văn hóa. Hệ sinh thái cảnh quan đã được nhận diện và trân trọng. Những can thiệp vật lý tạo ra sự hài hòa cho cảnh quan đường phố, công viên, sông ngòi… đảm bảo đúng tinh thần, hồn cốt của một thành phố vườn. Hệ thống phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa nhà vườn, nhà rường đã được trân trọng, tiêu biểu là đề án bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn. Sự can thiệp của Nhà nước đã nhận được sự đồng tình, tham gia của người dân theo đúng tinh thần xã hội hóa để làm cho cảnh quan của thành phố đẹp lên, các di sản văn hóa được bảo vệ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng khẳng định, Huế với nỗ lực xây dựng thành phố Festival đã kế thừa và xiển dương những giá trị nghệ thuật truyền thống. Tuồng, Nhã nhạc, ca Huế, múa cung đình, lễ hội, trò chơi dân gian… được phục dựng lại gắn với những sáng tạo văn hóa nghệ thuật mới, làm sống động đời sống văn hóa của Huế. Đồng thời, khơi dậy năng lượng hoạt động văn hóa trong tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức và người dân.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, những thành tựu về văn hóa di sản là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54, chỉ rõ con đường phát triển của Thừa Thiên Huế là dựa trên nền tảng di sản văn hóa. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng với Cố đô Huế, một trung tâm văn hóa, giáo dục và khoa học của Việt Nam mà nổi bật nhất là với vị thế của một trung tâm văn hóa, di sản ở tầm vóc khu vực và trên thế giới.
Xây dựng chiến lược cụ thể
Để xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc, TS. Trần Đình Hằng cho rằng, cần phải định vị được hệ giá trị đặc sắc, đặc trưng của Huế. Nếu không nhận diện một cách cụ thể thì sẽ rất lúng túng khi “bơi” trong một di sản quá phì nhiêu, nhiều tầng lớp, nhiều khía cạnh như văn hóa Huế. Nhận diện những câu chuyện cụ thể và nắm được tinh thần Huế, một tinh thần tinh tế, sang trọng, hài hòa với con người, thiên nhiên, đất trời để ứng xử đúng tinh thần của văn hóa Huế. Có thể thấy, tinh thần đó từ một tô cơm hến, tô canh rau tập tàng, bữa cơm muối, hay trên khắp kiến trúc, điêu khắc, hội họa…
Khi xây dựng Huế trở thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54, cần chuyển hóa tinh thần, sức sống của di sản vào cuộc sống xã hội hiện đại. “Nghị quyết 54 là “thượng phương bảo kiếm” để chúng ta đưa Huế trở thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương. Nhưng muốn vậy, phải xác định một chiến lược cụ thể gắn liền với những công việc cụ thể, sự phân công cụ thể về trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa”, TS. Trần Đình Hằng lưu ý.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa bày tỏ, Huế cần phải khôi phục lại vị thế vốn có trước đây, trở thành một trung tâm văn hóa vừa gìn giữ giá trị truyền thống vừa bồi đắp những giá trị mới, có hơi thở của thời đại, sức hấp dẫn của giới trẻ. Điều đó cần sự nỗ lực rất lớn, không chỉ Nhà nước đầu tư mà phải có chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư.
TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh, để đưa Huế trở thành trung tâm văn hóa, chúng ta phải làm rất nhiều việc. Trước tiên là phải thực sự coi trọng văn hóa di sản, có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, trong đó gắn liền với việc hình thành thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai. Chúng ta phải có quy hoạch phù hợp để giữ gìn một cách bền vững các di sản, thiên nhiên, đảm bảo sự phát triển bền vững và đúng hướng.
Điều quan trọng nữa là có sự đầu tư thích đáng cho văn hóa di sản, đầu tư cho hệ thống thiết chế hiện còn thiếu và chưa tương xứng, đặc biệt là các thiết chế văn hóa cơ bản tại đô thị trung tâm như nhà hát, bảo tàng, thư viện, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, trung tâm triển lãm… nhằm khai thác, phát huy tốt kho tàng di sản văn hóa đặc sắc vốn có, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, đưa Huế xứng tầm là một trung tâm văn hóa lớn của đất nước. Sự đầu tư này phải được đặt trong một tầm nhìn dài hạn, quy hoạch chiến lược để 50-100 năm sau vẫn còn nguyên giá trị.
Bên cạnh đó là cơ chế chính sách và đào tạo con người; mở rộng mô hình xã hội hóa nhằm tạo điều kiện và môi trường cho các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế và cộng đồng cùng tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.