Đời sống không ngừng được cải thiện
“Gia đình tôi phát triển kinh tế hiệu quả là nhờ vào các chính sách dành cho đồng bào DTTS ở địa phương” – chị Hồ Thị Lành, hộ đồng bào người Pa Cô ở thôn Loah – Ta Vai, xã Đông Sơn (A Lưới) khẳng định.
Sau khi được vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng và được hỗ trợ cây, con giống từ chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, chị Lành huy động thêm trong gia đình đầu tư mô hình nuôi bò đàn, kết hợp trồng rừng và mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Quy trình sản xuất, hạch toán kinh doanh được cán bộ khuyến nông và Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tập huấn, hướng dẫn cụ thể, nhờ vậy mô hình sản xuất kinh doanh của gia đình chị đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Chị Lành phấn khởi: “Hiện tại, mỗi năm gia đình đã có thu nhập từ chăn nuôi và buôn bán gần 200 triệu đồng. Nhờ có chính sách hỗ trợ, nhiều hộ đồng bào ở đây đã phát triển rừng trồng và chăn nuôi gia súc đạt hiệu quả cao, cho thu nhập mỗi năm từ 150 - 250 triệu đồng, góp phần ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu”.
Ngoài gia đình chị Lành, có thể kể đến hàng chục hộ DTTS như anh Hồ Văn Tua, Hồ Văn Tình, Hồ Văn Lợi, Hồ Văn Tanh… mỗi gia đình trồng vài ha rừng, chăn nuôi gia súc hàng chục con, mở rộng kinh doanh và làm thêm nghề thủ công truyền thống, tạo sự khởi sắc ở xã Đông Sơn - nơi có gần 100% đồng bào DTTS.
A Ngo cũng là một xã đồng bào DTTS thuộc huyện A Lưới. Toàn xã có 877 hộ, với 3.567 nhân khẩu, trong đó dân tộc Tà Ôi chiếm trên 80%. Lồng ghép các dự án phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS, những năm qua, xã A Ngo tranh thủ các nguồn vốn hoàn thành dự án khu tái định cư Khe Bùn thuộc chương trình “Di dân, định canh, định cư cho đồng bào DTTS”, với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng, góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho bà con DTTS trên địa bàn. Gia đình chị Hồ Thị Nghệ chỉ sau mấy năm đến định cư ở đây đã có cuộc sống khá đầy đủ. Vợ chồng chị đầu tư thêm máy cày, máy gặt lúa làm dịch vụ. Chị Nghệ chia sẻ: “Nhờ các cấp quan tâm chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS, như hỗ trợ xây dựng nhà tái định cư, đầu tư hạ tầng đồng bộ, cấp đất sản xuất… nên bà con đã có cuộc sống ổn định hơn”.
Hiệu quả từ các chính sách
Lồng ghép vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, các chính sách xóa nhà tạm, Chương trình 134, 135, 160... đã được các địa phương vùng DTTS triển khai hiệu quả, tạo bộ mặt nông thôn mới ở miền núi. Tất cả các thôn, bản đều có lưới điện quốc gia, trạm truyền thanh, trường học xây dựng khang trang. Xã có bưu điện văn hóa, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng bề thế. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa 100%, tạo thuận lợi thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn vùng DTTS phát triển.
Cùng với hoàn thiện hạ tầng, hợp phần phát triển sản xuất cho đồng bào được các địa phương rà soát hằng năm để xây dựng kế hoạch, dự toán cụ thể.
Dưới sự hướng dẫn của ngành Nông nghiệp &PTNT, sự phối hợp của Ban Dân tộc tỉnh, các địa phương vùng DTTS đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển loại hình kinh tế gia trại, trang trại thông qua các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm; khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn...
Nhiều địa phương đã hoàn thành quy hoạch đất đai, xây dựng vùng, khu trang trại trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Theo ông Hồ Văn Lùng ở xã Thượng Nhật (Nam Đông), hiện tại, địa phương đã có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập lớn nhất tập trung vào các hộ trồng rừng, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Trưởng ban Dân tộc tỉnh, ông Hồ Xuân Trăng cho biết, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn DTTS toàn tỉnh từ 2014 đến nay đạt hơn 51 tỷ đồng, với hơn 5.930 hộ được hưởng lợi. Ngành còn đầu tư 95,3 tỷ đồng bố trí cho 9 điểm định canh định cư tập trung. Trong đó, có 3 dự án cơ bản hoàn thành, đã đưa dân về sinh sống ổn định, đó là các dự án ở thôn Tà Rỵ, xã Hương Hữu; thôn Ta Rinh, xã Thượng Nhật (Nam Đông) và dự án định canh định cư Khe Bùn, xã A Ngo (A Lưới).
Cũng theo ông Hồ Xuân Trăng, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, cần tập trung nguồn lực, lồng ghép các chương trình, hợp phần dự án vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào DTTS. Có sự phân định rạch ròi và gắn kết hữu cơ giữa vùng kinh tế có tiềm năng và vùng kinh tế khó khăn ở khu vực đồng bào DTTS. Trên cơ sở này để có định hướng hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp phát huy lợi thế của từng vùng, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý đa dạng về ngành nghề và trình độ phát triển.
Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp liên kết giữa các địa phương vùng đồng bào DTTS, xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương trong vùng để phát huy lợi thế ở mỗi địa phương và tạo chuỗi liên kết giá trị, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập.
Toàn tỉnh có 46 xã miền núi có đồng bào DTTS với 55.091 người thuộc các dân tộc: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Bru Vân Kiều, Pa Hy, Hoa, Mường, Thái và Thổ. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS từ 38,84% vào cuối năm 2015, giảm xuống đến nay còn 29%. Các địa phương, ban, ngành chức năng nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, vùng DTTS có thu nhập bình quân đầu người đạt 40 – 42 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 15%...