Diễn đàn có sự tham dự của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Reigh Young Bum, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc (AURI); đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, các cá nhân, tổ chức, các cơ quan, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Diễn đàn
Diễn đàn nhằm giới thiệu các định hướng phát triển Công nghệ thông tin gắn với văn hóa, di sản, môi trường và giao thông tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển dữ liệu số và Công nghệ thông tin trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo, phát triển bền vững giá trị văn hóa của di sản Cố đô Huế và tạo điểm nhấn sâu sắc hơn về Văn hóa Huế, từng bước thực hiện thành công Nghị quyết 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tham dự Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe và trao đổi về những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế trong định hướng phát triển theo Nghị quyết 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó, tập trung vào các chủ đề lớn đã được trình bày như: Phát triển kinh tế xanh và bền vững gắn với chuyển đổi số tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế); Dữ liệu trong bảo tồn & phát huy giá trị di sản Huế (Tiến sĩ Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế); Ứng dụng CNTT thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực Giao thông vận tải (Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế) và Dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế với giao thông thông minh (Ông Bùi Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế).
UVBTV, Bí thư Thành ủy Huế, Phan Thiên Định phát biểu tại Diễn đàn
Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ Hàn Quốc cũng tham vấn cho tỉnh nhiều giải pháp mang tính chiến lược, cụ thể như: Xanh hóa ngành giao thông vận tải cho tương lai net-zero (GGGI Việt Nam); Định danh di sản số: Phát triển bền vững Di sản Cố đô và bản sắc Văn hóa Huế (Phygital Labs); Phương án phát triển nguồn năng lượng sinh học nhằm trung hòa carbon tại tỉnh Thừa Thiên Huế (ATR)… Đây sẽ là những tham vấn có tính chiến lược để phát triển giá trị từ công nghệ xanh và dữ liệu số, là cơ sở để Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tranh thủ được các ý kiến chuyên gia để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và áp dụng vào thực tiễn của địa phương, trên cơ sở bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa gắn với môi trường xanh, góp phần thực hiện tầm nhìn của Huế về một tương lai bền vững.
Diễn đàn quốc tế Huế là hoạt động thường niên, nhằm thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) và Công ty TNHH SMC Huế trong kết nối và thúc đẩy phát triển Công nghiệp Công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thu hút và phát triển Công nghiệp Công nghệ thông tin là ngành đột phá của tỉnh Thừa Thiên Huế trên bước đường xây dựng và phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Dự kiến, Diễn đàn quốc lần thứ III năm 2024 sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm 2024.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn