Chủ trì khai quật là bà Phan Thị Thúy Vân, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 3 tháng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải có báo cáo sơ bộ và sau 1 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa. Khi công bố kết quả của đợt khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần trao đổi với Cục Di sản văn hóa.
Được biết, vào thời Nguyễn, kinh đô Huế đã từng có hơn 30 khu vườn ngự với nhiều dạng thức: Ngự uyển trong chốn hoàng cung, biệt cung, ly cung... Cơ Hạ là một trong 5 khu vườn ngự uyển nằm bên trong Hoàng thành Huế (gồm Cơ Hạ Viên, Hậu Hồ, Trường Ninh Cung, Ngự Viên và Thiệu Phương Viên). Vườn được xây dựng từ năm 1837, dưới thời vua Minh Mạng, được nâng cấp, bổ sung và trùng tu nhiều lần dưới thời các vua Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883). Đầu thế kỷ XX, do không có điều kiện chăm sóc, triều Nguyễn đã cho triệt giải các công trình kiến trúc chính. Từ đó, vườn Cơ Hạ dần trôi vào quên lãng.
Năm 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã bảo tồn, hồi sinh vườn Cơ Hạ - một khu vườn ngự uyển nổi tiếng của triều Nguyễn. Tại nền móng cũ, Trung tâm đã đầu tư, dựng 3 ngôi nhà rường truyền thống theo hình ảnh để lại của các công trình xưa, cùng với cầu Kim Nghê được dựng lại bằng tre nứa buộc lạt mây. Động Phước Duyên, núi Thọ An được sửa sang, bên cạnh Minh Hồ, sông Trại Vũ được nạo vét, trồng hoa sen, hoa súng và thả cá chép vàng. Phần vườn còn lại được quy hoạch và trang trí bằng các thảm cỏ, thảm hoa và hàng trăm cây cảnh quý của các nghệ nhân hàng đầu xứ Huế...