Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 25.761

Một ngày trên Phá Tam Giang
Lượt đọc: 94707Thời gian: 15:28 - 15/09/2014

(VHH) - Hình thức du lịch trải nghiệm chỉ mới bắt đầu phổ biến tại Việt Nam cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế và đang dần trở thành xu hướng thu hút những ai đam mê du lịch. Trang thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin giới thiệu đến bạn đọc một bài viết về một chuyến du lịch trải nghiệm trên phá Tam Giang.

Xe rời Huế, đưa khách đi về phía Đông - Bắc của thành phố, qua Chợ Nọ khoảng 3km thì rẽ trái, hướng về đầm phá. Đi một quãng thì đến Cầu Tam Giang, cầu bắc ngang sông sâu, xa tăm tắp - cây cầu là niềm mơ ước từ bao đời của người dân sống ven đầm phá, cách sông trở đò này (tên cũ các xã: Điền Thái, Điền Thành, Điền Mỹ, Điền Hải, Điền Hòa, Điền Môn, Điền Hương). Rẽ trái lần nữa, xe bon bon trên con đường láng nhựa phẳng lỳ, tiến về phía xã Quảng Ngạn. Chưa đầy 50 phút, xe vào thôn Thủy An, nơi đây có căn nhà nghỉ dành cho du khách, tạm gọi là homestay.

Hành lý được dỡ xuống khỏi xe, mang vào nhà. Không gian sạch sẽ và thoáng rộng của ngôi nhà, kèm theo ly nước mát xua đi một chút mệt mỏi của hành khách sau một chuyến đi dài trên xe.

Mọi thứ đã sẵn sàng cho cuộc vui. Xe đạp bơm cứng. Khách lên xe, đạp theo con đường nhỏ của làng quê. Hai bên đường làng tre xanh mát, khách dừng lại bên "mội nước" nhỏ. Nơi mà từ thuở có người dân đến định cư ở đây dùng làm nguồn nước chính để ăn uống, sinh hoạt. Nguồn nước sinh ra từ dãy cát mênh mông, trắng phau phía sau làng. Dù không nhiều nhưng nguồn nước bất tận đủ để mọi người dân làng dùng quanh năm, từ mùa Đông cho đến mùa Hè. Hai bên mội nước những bụi cây dương xỉ mọc lên xanh rì để giữ đất. Dân làng dùng nước mội rất có quy củ. Phía trên cùng có mấy nhánh tre cắm ngang ngăn các loại lá chảy xuống là nơi tuyệt đối dùng để lấy nước uống. Kế đến là khoảng nước dùng để vo gạo, rửa rau. Tiếp theo là nơi có thể đứng tắm sau khi đi làm đồng về. Và cuối cùng nơi có mấy tảng đá dành cho mấy bà, mấy cô giặt giũ. Dù không thành văn, nhưng cái trật tự đó duy trì một cách nghiêm túc, không ai dám phá vỡ.

Dừng lại ở đây thật lâu rồi du khách tiếp tục đạp xe đến nơi đạp nước của vùng làng quê thanh dã. Cái xe đạp nước mới thật là lạ. Khách leo lên dàn đạp nước ngồi trên khúc tre rung rinh, tay nắm chặt cán cuốc bắc ngang để giữ thăng bằng. Hai chân cố gắng mãi mới đạp trúng cái bàn đạp đang quay ngược. Mấy lá gỗ mộc mạc kêu éo éo chạy trên đường chuyền, nước đổ vào ruộng ào ào. Thích thú vô cùng, muốn thử mãi không khôi. Nhưng phải nhường cho người khác cùng trải nghiệm.

Mặc dù không lớn lắm nhưng ngôi chùa cũng đủ thu hút của du khách. Không sao. Chỉ vào xem vài phút để thỏa tính tò mò của du khách. Đây cũng là nơi gìn giữ đời sống văn hóa tâm linh của dân làng.

Còn chặng đường đi ra phía biển mới thực sự là thử thách lớn cho những ai ít đi xe đạp. Xe xuống trũng thì phải coi chừng phanh gấp, xe lên đồi thì không khéo phải dắt bộ. Nhưng bù lại có những giây phút thật vui, thật có ý nghĩa khi khách dừng lại bên ngôi tường mẫu giáo để trồng vài cây dương liễu chắn gió giúp ngôi trường nhỏ ngày càng xanh hơn. Khách có thể vẫy tay chào mấy em nhỏ hoặc có thể chụp vài tấm hình kỷ niệm. Vài du khách còn muốn có tấm biển ghi tên mình cắm cạnh cây mình trồng để có dịp quay trở lại, xem cây của mình đã lớn đến mức nào. Đó là một điểm ưa thích của du khách khi tham gia các tour du lịch sinh thái.

Đến biển mới thực sự là một ngạc nhiên thích thú. Bãi cát trắng phau; biển trong xanh; không khí trong lành. Xa xa mấy chiếc ghe nan nằm nghỉ trên bãi cát. Ngôi làng chài nhỏ dân cư hiền lành. Đến đây mới thấy biển đáng yêu biết dường nào!

Về đến nhà, ai mấy đều đã thấm mệt, mà vui. Dẫu sao thì bữa trưa cũng đã chờ sẵn. Không ngon mới là lạ vì tôm cá tự nhiên của phá Tam Giang thì có đâu bằng. Con tôm dù nhỏ, nhưng sao vừa dai vừa ngọt thế. Món tôm một nắng là sao mà cả hương lẫn vị thật khác thường. Kèm thêm một củ mắm kiệu cay cay nữa thì tuyệt trần. Cá vùng này đặc biệt ngon vì nước phá Tam Giang không ngọt như các con sông mà cũng không mặn như nước biển. Nước lợ phá Tam Giang sinh ra các loại cá bống, các thệ, cá kình, cá dìa, cá đối v.v... mà các vùng sông nước khác không thể sánh bằng.

Ăn xong, nằm trên chỏng tre nghỉ ngơi đôi chút với ngọn gió chiều mát rượi. Ai không nằm nghỉ thì trò chuyện với trẻ em trong xóm đến chơi. Chúng say sưa, hớn hở học những điều mới lạ, thật ngây thơ và dễ thương.

Đến giữa chiều mọi người lên thuyền đi ra phá để xem các hoạt động đánh bắt của ngư dân vùng này. Ở trên phá có nhiều nghề đánh bắt khác nhau như quảng chài, thả lưới, giăng câu v.v... Nhưng nghề nò sáo là nghề đánh bắt đặc trưng truyền thống lâu đời của phá Tam Giang. Xưa kia, nò sáo làm bằng tre được bện lại bằng sợi cây mây lấy từ rừng làm thành từng tấm, gọi là tay sáo. Người ta đặt sáo thành hình chữ V. Cá tôm theo dòng nước tự đi vào nò. Mỗi đêm người ta dỡ nò để lấy tôm cá đem ra chợ bán. Con cá nào đủ lớn mới bị vào nò, những con nhỏ theo đường kẻ của tay sáo đi ra ngoài sẽ lớn lên sau. Vì thế không tận diệt như nhiều cách thức đánh bắt hiện nay. Khách muốn, có thể mua ít tôm cá còn nhảy tanh tách mang vào nhà thưởng thức kèm với một chút hương nồng của rượu làng quê.

Trời đã xế chiều. Thế là hết một ngày rong chơi để biết thêm nhiều điều mới lạ. Quay về phố thị mang theo niềm vui chân chất, đằm thắm, yên lành mà vẫn còn luyến tiếc "Một ngày trên phá Tam Giang".

Bài: An Thạnh - Ảnh: Huế 360
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL