Thừa Thiên Huế tự hào hiện đang lưu giữ trong mình gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội các loại; trong đó, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhã nhạc cung đình Huế - Âm nhạc cung đình Việt Nam được công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể, truyền khẩu của nhân loại; Vịnh Lăng Cô được công nhận là vịnh biển đẹp thế giới; sông Hương và cảnh quan đôi bờ đang được Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đề nghị lập hồ sơ đề trình là Di sản văn hóa thế giới; vườn Quốc gia Bạch Mã và hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được xem là đầm phá lớn nhất Đông Nam Á… Đặc biệt, Festival Huế với chủ đề “Di sản văn hóa hội nhập và phát triển” được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, góp phần tích cực vào việc bảo tồn, quảng bá văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế và thúc đẩy ngành kinh tế du lịch phát triển…
Nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngay từ năm 1993, Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh giữa nhiệm kỳ đã xác định tập trung đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và ngay sau đó, Đại hội Đảng bộ lần thứ XI (năm 1995) đã khẳng định quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ sang công nghiệp - dịch vụ, du lịch - nông nghiệp với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực hiện mục tiêu đã đề ra, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, trùng tu các di tích văn hóa, di tích lịch sử - cách mạng, tiêu biểu như: Ngọ Môn, Thế Miếu, Duyệt Thị Đường; hệ thống lăng tẩm, chùa chiền như: lăng Gia Long, Tự Đức, Minh Mạng, chùa Thiên Mụ, đền Huyền Trân Công Chúa, tượng đài Quang Trung, khu Di tích Lịch sử cách mạng Chín Hầm, di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh… Di chuyển các nhà máy, xí nghiệp, công sở ra khỏi khu vực Kinh Thành; di dời dân cư sinh sống trên Thượng Thành và tái định cư vạn đò Sông Hương để bảo đảm tính nguyên vẹn của di sản. Tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng thành công nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình, Nhã nhạc, Ca Huế, nhiều làn điệu dân ca, dân nhạc; nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc như: Lễ hội Nam Giao, lễ tế Đàn Xã Tắc, lễ hội Truyền Lô…
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ sự nhất trí cao với những định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển du lịch nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, cũng như dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010 - 2020. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội về phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa, đề nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo sớm hoàn chỉnh và ban hành Chiến lược, quy hoạch phát triển ngành du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để thống nhất quản lý, phát triển ngành du lịch. Theo đó, cần định hướng và tổ chức thực hiện phát triển du lịch trên các vùng lãnh thổ phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch gắn với vùng kinh tế, vùng văn hóa, vùng địa lý, khí hậu và các hành lang kinh tế trong mối tương quan bổ trợ liên kết nội vùng và liên vùng. Ưu tiên đầu tư và phát triển các trung tâm dịch vụ lớn ở phía Bắc, miền Trung, miền Nam; quan tâm đến địa bàn trọng điểm, điểm đến nổi bật trong mỗi vùng như: Hà Nội - Quảng Ninh - Lào Cai - Quảng Bình - Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Đà Lạt - Nha Trang - TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác; tạo thành các cụm liên kết phát triển mạnh về du lịch, để tổ chức tốt các hoạt động trên các tuyến du lịch “Hành lang kinh tế Đông Tây”, “Hành trình qua các kinh đô cổ”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường di sản miền Trung”. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc; các tuyến du lịch quốc gia “ba quốc gia, một điểm đến” với Lào, Thái Lan trên tuyến hành lang Đông - Tây.
Thực tiễn phát triển ngành du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian qua khẳng định, văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng là mục đích khám phá của khách du lịch. Năm 2010, tổng nguồn vốn đầu tư cho công tác trùng tu di tích là 50 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương là 20 tỷ đồng và địa phương đầu tư là 30 tỷ đồng), nhưng nguồn thu từ bán vé vào các điểm tham quan di tích là 80 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến các lợi ích khác từ các hoạt động dịch vụ du lịch đem lại… Do đó, phải xem văn hóa là một sản nghiệp, là tài sản cần được đầu tư xứng đáng và xác định, đầu tư cho bảo tồn di sản cũng là đầu tư cho phát triển.
Tuy nhiên, do thời gian và ảnh hưởng của chiến tranh, các di tích đã bị xuống cấp trầm trọng, song việc đầu tư để trùng tu gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa trong việc bố trí nguồn vốn (ODA hoặc trái phiếu Chính phủ) để đầu tư cho các vùng trọng điểm du lịch, các di tích. Đặc biệt, là phải ưu tiên các di tích được thế giới công nhận như: Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long, Quần thể Di tích Cố đô Huế, Quan họ, Không gian văn hóa Cồng chiên Tây Nguyên… để góp phần bảo tồn văn hóa và thúc đẩy ngành kinh tế du lịch phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện một lần nữa khẳng định: Chúng tôi nhất trí cao với phương hướng, nhiệm vụ mà Báo cáo Chính trị đã nêu: “Cần đầu tư hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông thiết yếu, hiện đại hóa một số sân bay, cảng biển quan trọng và một số tuyến đường bộ trọng yếu kết nối Trung Quốc, Lào, Campuchia. Trên cơ sở quy hoạch, chuẩn bị các điều kiện để từng bước xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hình thành đường bộ trục giao thông Bắc - Nam, các trục hành lang Đông - Tây…”.
Đề nghị Trung ương cần có chính sách ưu tiên đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông đến các điểm di tích, các khu du lịch trọng điểm; nâng cấp các cảng hàng không, tăng cường thêm các chuyến bay, kể cả hỗ trợ để liên kết mở thêm các chuyến bay quốc tế; nâng cấp cảng biển để có thể đón các tàu du lịch lớn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách; tăng cường khả năng kết nối với các thị trường lớn của khu vực và thế giới. Tập trung đẩy mạnh chiến lược phát triển thương hiệu, gắn với những đặc trung về tiềm năng du lịch; tạo dựng thương hiệu, hợp tác quốc tế và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ ra cộng đồng quốc tế về hình ảnh của Việt Nam. Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững; phát triển du lịch vì mục tiêu văn hóa, để bảo tồn và làm phong phú giá trị văn hóa dân tộc. Đây cũng chính là yếu tố cốt lõi để thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.