Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 18.891
Bữa cơm gia đình giữ lửa yêu thương
Lượt đọc: 121110Thời gian: 11:41 - 24/06/2014

(VHH) - Mỗi lúc vắng nhà, xa quê có lẽ ai trong chúng ta ai cũng thấy nhớ da diết những bữa cơm gia đình ấm cúng với tất cả các thành viên trong gia đình. Có thể bữa ăn rất đạm bạc, không cao lương, mỹ vị nhưng mọi người vẫn luôn ghi nhớ mãi trong tim, bởi đó không chỉ là bữa ăn đơn thuần mà đó còn là mối dây nối kết tình cảm của mỗi thành viên trong gia đình.

Trong số những bữa cơm đầm ấm cùng gia đình, có lẽ ghi nhớ nhất vẫn là những bữa cơm chiều. Bởi cho dù có tất bật ngược xuôi, nhưng mỗi buổi chiều về, ai nấy cũng cố gắng có mặt trước bữa cơm tối bên gia đình người thân. Người về sớm, người ở nhà cố dằn cơn đói, nán chờ người về muộn thêm vài phút để bữa cơm gia đình có được sự hiện diện đầy đủ của các thành viên. Những lúc như thế này, đợi nhau trong bữa cơm không hẳn chỉ vì chuyện ăn uống mà còn là chờ đợi một không gian ấm cúng bên người thân để cùng sẻ chia những tình cảm, hưởng thụ những giây phút bình yên sau một ngày tất bật với công việc. Bữa cơm gia đình còn là nét nét đẹp văn hóa qua mọi thời đại.

Thông qua bữa cơm gia đình, ông bà, cha mẹ còn chỉ dạy con cháu phải biết lễ phép lịch sự khi ăn uống: "Học ăn, học nói, học gói, học mở", "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng". Nghĩa là phải biết kính trên nhường dưới, có miếng gì ngon cần chú ý để dành phần cho người khác, bưng chén cơm lên người dưới phải lễ phép mời người trên. Đó là cách giáo dục gần gũi, thiết thực, đời thường nhất cho các thế hệ, để từ đó có thể hòa mình vào xã hội.

Bữa cơm gia đình Việt chứa đựng những yếu tố văn hóa hết sức tinh tế và lý thú. GS Trần Văn Khê đã từng chia sẻ: "Nếu đem cách ăn uống của ta so với người Tây, sẽ có nhiều điểm vượt trội. Người Việt ta ăn toàn diện, nghĩa là ăn bằng ngũ quan. Thực phẩm chế biến ra có nhiều màu sắc. Không chỉ trình bày đẹp mà còn có hương thơm. Cho thức ăn vào miệng ta cảm nhận được cái mềm mềm của bún, dai dai của thịt, tiếng lóc cóc của hạt đậu phộng… Chúng ta ăn bằng mắt, ngửi mùi thơm và nghe âm thanh của thức ăn rồi mới thưởng thức. Người Việt ăn khoa học. Khi ăn cũng là uống thuốc. Ăn sao cho “âm dương tương xứng, hàn nhiệt phân minh". Trong món ăn chúng ta có cả âm dương: vị mặn thuộc dương, ngọt thuộc âm. Làm nước mắm bỏ chút đường, chút giấm. Kho cá, kho thịt ngoài muối ta còn bỏ thêm cả đường. Ăn bưởi chua quá hay dưa hấu ngọt quá ta cũng chấm thêm chút muối cho "đậm". Đi xa hơn, người Việt còn để ý món ăn trong môi trường. Câu nói "mùa hè ăn cá sông, mùa đông ăn cá biển" đã chứa trong đó sự thâm thúy về ẩm thực. Mùa hè, cá sông thấm nhiều cái âm của nước ngọt, sẽ làm cân bằng cái dương trong cơ thể ta. Còn mùa đông khi cơ thể ta thấm cái lạnh là âm, sẽ rất tốt khi ăn cá biển vì cá biển thấm muối biển là có cái dương trong chúng".

Ngày nay, với nhịp sống hiện đại, bữa cơm gia đình dường như thiếu vắng. Có những gia đình, hiếm có bữa cơm nào mà cả gia đình cùng đoàn tụ đầy đủ bên mâm cơm, mà chỉ là những bữa cơm vội vàng để rồi ai đi lo công việc nấy, ít có thời gian để ngồi hàn huyên, tâm sự, sẻ chia niềm vui, nỗi lo toan trong cuộc sống. Cơ chế thị trường, mỗi người phải bận rộn với những phi vụ làm ăn, sa đà vào những buổi tiếp khách, tiệc tùng, rồi bỏ dần thói quen cùng chung tay chăm chút cho bữa cơm gia đình. Hoặc thảng cũng có những bữa cơm nhưng lại được tổ chức ở những nhà hàng, khách sạn.

Các thế hệ con cháu ngày nay không còn khéo tay trong nấu nướng những món ăn truyền thống với nguyên vật liệu "cây nhà lá vườn" dễ kiếm, mùa nào thức ấy, mà chỉ quen với những món ăn hiện đại, món ăn nhanh với nguyên liệu luôn có sẵn trong các siêu thị. Bữa cơm gia đình có chăng cũng cực kỳ đơn giản, không còn giữ được sự cân bằng âm dương, không còn tạo được hòa khí ấm áp trong gia đình. Đã qua rồi cái thời "Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon" mà thay thế vào đó là những bữa ăn ngẫu hứng, qua quýt cho xong. Bởi ai cũng có lý do công việc, ai cũng suy nghĩa quá đơn giản về bữa ăn gia đình.

Ngày gia đình Việt Nam 2014 với chủ đề "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" với mục đích trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Bữa cơm là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình. Thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Qua đó nêu cao những giá trị vô giá của gia đình, đó là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, tôn kính các bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc con trẻ.

"Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" gắn với chủ đề công tác gia đình năm 2014 là "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình" sẽ là những động thái quan trọng để mọi gia đình và xã hội quan tâm hơn đến giá trị cuộc sống gia đình, quan tâm đến quá trình hình thành nhân cách, kết nối tình yêu thương trong mỗi gia đình Việt Nam.

Bảo Minh
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL