Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 21.222
Phụ nữ có vai trò quan trọng từ trong căn bếp ra ngoài xã hội
Lượt đọc: 1494Thời gian: 14:05 - 22/06/2023
Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình là một mô hình cộng đồng thu nhỏ mà ở người phụ nữ không những được “chứa chấp” mà còn được thể hiện rõ nhất vai trò làm chủ, thể hiện tính nữ và trách nhiệm của người phụ nữ rõ ràng nhất.

 

Phụ nữ từ căn bếp…

Ở phương Đông nói chung và trong mỗi gia đình Việt Nam nói riêng, nam giới luôn được xem là trụ cột gia đình, la người kiếm tiến để đảm bảo kinh tế gia đình, còn người phụ nữ được đề cao với vai trò nội trợ, quản lý gia đình. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Cho đến nay, để hiểu đúng ý nghĩa câu nói này thì vẫn còn nhiều tranh cãi về việc áp đặt vai trò giới nhưng xét về khía cạnh bình đẳng giữa giữa người phụ nữ và người đàn ông trong xây dựng “một tổ chức xã hội thu nhỏ”, phản ảnh hình ảnh xã hội, cộng đồng lớn hơn. Nhưng mặt khác nó cũng cho chúng ta thấy, người phụ nữ đóng góp một phần quan trọng vào quá trình tổ chức cuộc sống gia đình, cộng đồng.

Trong cuốn “Phụ nữ hiện đại viết lại luật thành công”, Ivanka Trump - con gái đầu lòng của cựu tổng thống Hoa Kỳ - là một người cực kỳ thành công trên tất cả mọi lĩnh vực đã viết: “Nếu gia đình xếp thứ nhất thì công việc cũng không xếp thứ hai. Cuộc sống luôn phải có cả hai.” Mặc dù cuộc sách được viết theo phong cách phương Tây, những công việc ở trong đó có thể hoàn toàn xa lạ đối với người phụ nữ Việt Nam chúng ta, nhưng càng đọc càng thấy, trong đó chứa đựng toàn là những đầu việc như bao người bình thường khác phải làm, chỉ có điều nó có kế hoạch, có ưu tiên, có lựa chọn, có mục tiêu rõ ràng, kiên cường, chăm chỉ, lạc quan, kết nối thông minh, làm việc linh hoạt… Ivanka Trump viết: “Dù bạn là người thành lập công ty riêng hay bà mẹ nội trợ, trợ lí trong một tập đoàn lớn hay người làm việc tự do, tôi tin rằng, khi nói đến phụ nữ và công việc, thì không có cau trả lời nào là “chuẩn mực”. Tất cả chúng ta đều cố gắng tìm cách tạo dựng cuộc sống có ý nghĩa nhất cho bản thân và gia đình. Cuộc sống đó như thế nào và làm thế nào để đạt được nó là vấn đề khác nhau đối với mỗi người trong chúng ta.”

Có rất người phụ nữ toàn tâm toàn ý cho gia đình, lui về hậu phương để vun vén những ngôi nhà ấm áp, căn phòng sạch sẽ, căn bếp luôn phảng phất mùi thức ăn, con cái tươm tất, ngoan ngoãn, lễ phép… những người phụ nữ đó luôn ở đó, ngôi nhà của họ là nơi để về, thật sự dễ chịu, là nơi an trú cho chồng con. Nhưng cũng có những người phụ nữ không có lựa chọn đó, họ chọn những mối quan tâm bên ngoài như sự nghiệp, bạn bè, những mối quan hệ xã giao và xây dựng hình tượng thành công trong công việc xã hội, nhưng phần lớn trong số đó mất đi sự cân bằng, tính nữ vốn có của mỗi người phụ nữ truyền thống. Có thể đó là sự hiện đại và bình đẳng giới theo một phương diện nào đó, nhưng nếu như họ là “Phụ nữ hiện đại viết lại luật thành công” theo Ivanka Trump “Nếu gia đình xếp thứ nhất thì công việc cũng không xếp thứ hai. Cuộc sống luôn phải có cả hai.”, thì họ đã không có cả hai.

… đến việc giáo dục và tích cực phát triển bản thân…

Khi bàn đến đấu tranh cho các quyền cơ bản của phụ nữ, chúng ta thường nhấn mạnh đến bình đẳng giới, đấu tranh chống phân biệt đối xử, kỳ thị trong gia đình và xã hội đối với phụ nữ… Điều này đúng nhưng chưa đủ. Trong cuộc đấu tranh để giải phóng thật sự phụ nữ cần chú ý đến một công cụ đặc biệt là giáo dục. Họ không chỉ cần được đến trường. Họ cần thực hiện quyền tới trường của mình và ở trường đủ thời gian cần thiết để phát triển tri thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để sinh tồn; quyền được có những điều kiện học tập tối thiểu cần thiết để có thể tận dụng được nhà trường và các cơ hội giáo dục khác, phát triển trọn vẹn khả năng…

Với sự phát triển của xã hội, các cô bé gái đều được đến trường như các cậu bé, được bình đẳng về mọi mặt học tập và phát triển bản thân. Ở đâu đó, phụ nữ vẫn còn có một số khó khăn cho việc học tập và phát triển bản thân, nhưng đổi lại, bản thân mỗi người lại có nhiều hơn những sự lựa chọn để được giáo dục và phát triển bản thân từ mọi nguồn lực thông tin, sách báo, các tổ chức phát triển xã hội và đảm bảo môi trường học tập cho người phụ nữ.

Theo thống kê năm 2022, nhờ kết quả việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, phụ nữ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như: 30,26% đại biểu Quốc hội là nữ; tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%; tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 29,8%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỉ lệ nữ doanh nhân cao nhất; nhà nghiên cứu khoa học nữ chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước, cao hơn so với trung bình thế giới chỉ có 30% và nhiều thành tựu khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cho phụ nữ nhiều cơ hội để phát triển toàn diện về cả trí tuệ, sức khỏe, năng lực; đồng thời cũng đem tới cho người phụ nữ không ít áp lực và thách thức, mà thách thức lớn nhất của thời đại ngày nay vẫn là những định kiến giới, khuôn mẫu giới đang tác động và ảnh hưởng tới phụ nữ trong việc tạo cơ hội cho họ tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Do đó, đòi hỏi bản thân mỗi người phụ nữ phải tự giáo dục và tích cực phát triển bản thân, nâng cao ý thức học hỏi, chủ động vươn lên, trau dồi vốn văn hóa, vốn tri thức của mình, tự tin, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, vượt mọi khó khăn; biết tận dụng ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất hiệu quả công việc, dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm sóc và phát triển bản thân.

Riêng đối với phụ nữ Việt Nam hiện đại, nội hàm của người phụ nữ được xác định trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế thừa các nội dung phong trào thi đua, hướng đến mục tiêu phát triển con người toàn diện, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam. Với các nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới bước đầu được định hình là “có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước” [Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: Thực trạng và giải pháp, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 28/11/2022, tại Hà Nội].

… bước ra xã hội:

Trong thời đại mới, bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động. Quyền của phụ nữ về kinh tế đã được nâng lên thông qua việc pháp luật quy định phụ nữ cùng đứng tên với nam giới trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, nhà ở và tài sản. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia đã hoàn thành báo cáo về tình hình thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Đặc biệt, hệ thống các ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được thành lập ở các bộ ngành, tỉnh thành và địa phương. Mạng lưới cán bộ tư vấn về giới hoạt động hiệu quả, hệ thống pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ được tăng cường.

Phải thừa nhận rằng, hiếm có dân tộc nào phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng trong xã hội như ở Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngay từ những buổi đầu thành lập nước, khi gặp nạn ngoại bang xâm lược, bà Trưng bà Triệu đã dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi quân thù và giành thắng lợi. Với truyền thống đó, phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục vượt qua mọi khó khăn và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như tham gia quản lý nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tham gia phòng chống tệ nạn xã hội; thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân... Không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế tuần hoàn, phụ nữ Việt Nam còn rất tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, rất nhiều phụ nữ hiện đại đã cống hiến cho nhiều hoạt động xã hội, đóng góp tích tực cho sự phát triển và công bằng, an sinh bằng cách tham gia vào các tổ chức, hội nhằm cung cấp nguồn lực và bảo vệ người yếu thế để xã hội ngày càng trở nên công bằng, văn minh, tốt đẹp hơn.

Tóm lại: Khi xã hội có bình đẳng giới, những nhận thức về vai trò và vị thế của người phụ nữ đã thay đổi hoàn toàn, họ không còn bị bó buộc trong không gian một căn bếp hay một ngôi nhà với những công việc nội trợ diễn ra như một vòng lặp không ngừng nghỉ. Bên cạnh vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình, phụ nữ đã không ngừng trau dồi tri thức, kĩ năng và không ít người đã đạt đến những địa vị cao trong xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng. Tuy nhiên, điều đó làm gia tăng trọng trách đặt lên vai người phụ nữ hiện đại. Hình ảnh người phụ nữ ngày càng tỏa sáng lấp lánh trong niềm tự hào, hãnh diện với những thành công lớn trên tất cả mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Do đó, vị thế và vai trò của người phụ nữ đã được khẳng định và nhìn nhận hoàn toàn khác, là một nửa quan trọng của thế giới.

“Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ Quốc gia, có những vấn đề của Quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ.” [Trích lưu bút của bà Trương Mỹ Hoa, nguyên phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam lưu tại điện thờ Huyền Trân Công Chúa (thành phố Huế)].

Dương Ngọc Linh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL