Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 15.785
Nam Đông: Tập trung phát triển du lịch
Lượt đọc: 65129Thời gian: 17:48 - 14/07/2016

(VHH) - Khởi động chậm hơn so với các nơi khác, ngành du lịch Nam Đông đang quyết tâm xây dựng những sản phẩm khác biệt, thể hiện được chất văn hóa, vùng đất và con người nơi đây.

Tiềm năng chưa "đánh thức"

Cuối tuần, anh bạn đang làm trong ngành du lịch ở Nam Đông điện thoại về cứ "bắt buộc" tôi phải lên chơi một chuyến. Tôi đùa "trên đó có chi mà chơi, lên... nhậu thì có". Anh bạn oang oang trong điện thoại, cứ lên đi, sẽ không phí đâu...

Lên đến điểm hẹn cũng là lúc trời đứng bóng, anh bạn dẫn chúng tôi vào thác Kazan (xã Thượng Lộ). Từ trung tâm huyện, sau khoảng 10 phút nổ xe, chúng tôi vào đến nơi. Kazan hoang sơ, nằm "yên mình" trong núi rừng Trường Sơn. Càng đi lên phía thượng nguồn, những tảng đá nằm thẳng đứng, cheo leo hai bên thác tạo nên vẻ hùng vĩ cho Kazan.

Ngâm mình dưới dòng nước trong xanh, mát lạnh, anh bạn quay sang nói: "Thấy không, so với các con suối khác, vẻ đẹp của Kazan không hề thua kém. Mình ở đây, quen thuộc với thác nhưng vẫn thấy nó đẹp lạ kỳ. Vậy mà Kazan vẫn chưa được đầu tư khai thác, thỉnh thoảng chỉ đón những đoàn khách lẻ, những bạn trẻ đi phượt lên tắm suối mà thôi".

Chia tay Kazan, chúng tôi đến Khu du lịch cộng đồng thôn Dỗi (xã Thượng Lộ). Đây cũng là lúc có đoàn khách đến tham quan. Ngay từ lối dẫn vào nhà “gươl”, người dân đứng hai bên chào đón khách nồng nhiệt. Những tràng pháo tay làm cho chúng tôi và du khách có cảm giác thoải mái và thân thiện với người dân. May mắn trở thành một thực khách, chúng tôi được thưởng thức cơm lam với rau rừng, măng rừng... do chính tay người dân chế biến kết hợp với men rượu cần cay nồng. Ấn tượng hơn, chúng tôi và du khách còn được thưởng thức những điệu múa, bài hát truyền thống của người dân Cơ Tu do những thiếu nữ trong thôn trình diễn.

Nhìn người dân làm du lịch mà chúng tôi thấy “mát lòng”. Tuy nhiên, theo anh Hồ Văn Sanh, Phó Ban quản lý Khu du lịch thôn Dỗi, khó khăn lớn nhất là lượng khách vẫn còn ít. Trung bình mỗi tháng đón được khoảng hai đoàn khách lớn, còn những đoàn khách lẻ thì người dân không thể tổ chức phục vụ. Vì thế, thu nhập của người dân chưa được ổn định.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Đông chia sẻ: "Tiềm năng du lịch của Nam Đông rất lớn, đặc biệt là du lịch sinh thái và cộng động. Ngoài thác Mơ và thôn Dỗi là hai điểm đã thu hút được du khách thì còn rất nhiều điểm lý tưởng để phát triển du lịch: thác Phướng (xã Hương Phú); thác Trời, đập Tràn (xã Hương Giang); hang Dơi (xã Thượng Quảng)... Tuy nhiên, những tiềm năng này chưa được "đánh thức".

Hướng đi riêng

Khởi động muộn hơn so với các địa phương khác, dù vậy, ngành du lịch Nam Đông đang đặt ra những kế hoạch mang tính dài hạn, xây dựng những sản phẩm có thế mạnh và mang đặc trưng riêng của vùng đất nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Hướng đi của du lịch Nam Đông trong thời gian tới là khai thác du lịch sinh thái và cộng đồng; trong đó, sẽ tập trung đẩy mạnh du lịch cộng đồng. Thông qua du lịch cộng đồng, nét văn hóa độc đáo của người dân Cơ Tu được bảo tồn. Ngoài ra, khi người trẻ tham gia làm du lịch sẽ học hỏi và lưu giữ được những điệu múa, câu hát truyền thống, những món ăn gắn liền với đời sống của người dân Cơ Tu suốt bao đời qua... Du lịch Nam Đông mong muốn không phải một cá nhân mà nhiều người dân cùng hưởng lợi từ làm du lịch.”

Huyện Nam Đông đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào ngành du lịch. Đặc biệt là cơ sở lưu trú, hệ thống homstay tại các điểm du lịch cộng đồng. Khi cơ sở lưu trú tăng lên, có thể kéo du khách ở lại lâu hơn với Nam Đông. Một phần do thiếu nơi ngủ qua đêm nên du khách chỉ đến và đi trong ngày. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, để làm tốt việc kêu gọi đầu tư, các cơ quan liên quan cần có tiếng nói chung, cùng nhau ngồi lại để đưa ra những kế hoạch và chính sách ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp. Những năm qua, mối liên hệ của các cơ quan đang thiếu sự "kết dính".

Khả năng quảng bá là yếu điểm của ngành du lịch Nam Đông. Nhận rõ điều này, Phòng Văn hóa Thông tin huyện xin giấy phép và đã được Sở Thông tin Truyền thông đồng ý xây dựng website chuyên về du lịch của huyện. Trang web này đang xây dựng kế hoạch và sẽ sớm đưa vào hoạt động.

Một lợi thế không nhỏ nữa cho du lịch Nam Đông là tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan đang được thi công, khi hoàn thành sẽ giúp đến với Nam Đông thuận tiện hơn. Tuyến cao tốc nằm trong tuyến Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, Nam Đông sẽ có cơ hội phát triển nhanh vì đây có thể là điểm dừng chân quan trọng của du khách.

Với những lợi thế và những chính sách kêu gọi đầu tư ưu đãi, ngành du lịch Nam Đông đang đặt mục tiêu sớm vượt qua những khó khăn để tăng tốc nhanh và bền vững.

Năm 2015, điểm du lịch thôn Dỗi và thác Mơ đón hơn 11.900 lượt khách, trong đó có 127 lượt khách quốc tế với doanh thu hơn 493 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2016, thác Mơ đón hơn 6.200 lượt khách, doanh thu hơn 279 triệu đồng; thôn Dỗi đón 10 đoàn với 258 lượt khách, trong đó, 45 lượt khách quốc tế, doanh thu 20 triệu đồng. Tính đến đầu tháng 7/2016, trên địa bàn huyện Nam Đông có 3 cơ sở lưu trú, với 31 phòng.

 

Theo Đức Quang (TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL