Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 10.044
Chuyển đổi số hoạt động thư viện: Cân bằng giữa bản quyền và sứ mệnh phục vụ cộng đồng
Lượt đọc: 2989Thời gian: 21:08 - 23/07/2023

(VTH) - Tại Hội thảo Bản quyền trong chuyển đổi số ngành Thư viện do Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) tổ chức mới đây tại Hà Nội, các đại biểu nhận định: Chuyển đổi số hoạt động thư viện là “chìa khóa” trong tiếp cận bạn đọc, góp phần nâng cao dân trí. Tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi, các thư viện đang gặp nhiều khó khăn về đầu tư hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực và đặc biệt là nguồn tài liệu điện tử. Trong đó, vướng mắc về vấn đề bản quyền đang rất cần được tháo gỡ.

Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục và đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin, thư viện, chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ…

Khan hiếm nguồn tài nguyên thông tin số

Theo bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm trong chuyển đổi số thư viện là cung cấp bản sao tài liệu trên môi trường số nhằm phục vụ bạn đọc. Hiện nay, các thư viện chủ yếu phục vụ nhu cầu học tập, giải trí tại chỗ; không tổ chức cho mượn hay phân phối bên ngoài thư viện và cũng không nhằm mục đích thương mại. Tuy nhiên về vấn đề bản quyền, nguồn tài nguyên thông tin số trong các thư viện ở Việt Nam còn nghèo nàn. Nếu các thư viện có nguồn tài nguyên thông tin này cũng chưa chắc có thể đưa ra phục vụ bạn đọc vì một số quy định và thiếu sự đồng thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

“Vì một số quy định hiện hành và nhận thức của tác giả mà một số tài liệu, tác phẩm mới chỉ được đồng ý để các thư viện số hóa rồi lưu trữ. Trong khi đó, tài nguyên thông tin không được đưa ra phục vụ bạn đọc thì không phát huy được các giá trị. Điều này dẫn đến ngay cả với tác phẩm được tạo nên trong quá trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền… dù được đầu tư công phu, có giá trị nhưng không được lan toả rộng rãi, nhất là trên không gian mạng vì e ngại vi phạm quyền tác giả”, bà Kiều Thúy Nga nêu.

Đại diện Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết, việc tuân thủ quy định của pháp luật về bản quyền là quan trọng. Tuy nhiên, cần cân bằng giữa bản quyền và sứ mệnh phục vụ cộng đồng của thư viện nói chung. Một trong những nguyên nhân khiến các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả còn trăn trở trước khi “gật đầu” cho phép các thư viện số hoá, cung cấp tài liệu đến bạn đọc theo quy định là tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra rất phức tạp. Ở nước ta, do chưa có các biện pháp ngăn chặn hợp lý, các thư viện, tác giả hoặc chủ sở hữu rất hạn chế cung cấp tác phẩm, tài liệu trên môi trường số.

Một nguyên nhân khác được ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) chỉ ra là người giữ bản quyền thường ít khi đồng ý cho các thư viện số hoá tài liệu vẫn đang còn trong thời hạn bản quyền, nếu họ vẫn có ý định in lại hoặc tái bản có sửa chữa tài liệu đó. Ngoài ra, càng khó nhận được sự đồng ý nếu đơn vị giữ bản quyền là các NXB. Bởi lẽ, việc các thư viện số hóa tài liệu sẽ tác động đến thị trường xuất bản và sự tăng trưởng số lượng đầu sách.

 

 

 

Trong lĩnh vực thư viện, để cân bằng lợi ích của tác giả, người sở hữu quyền tác giả nhưng vẫn bảo đảm cho các thư viện đạt mục tiêu hoạt động vì lợi ích cộng đồng, các điều luật đã đưa ra những điều kiện về bản quyền trong số hóa hoạt động thư viện. Nhưng hiện đang có một bộ phận tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và cán bộ làm công tác thư viện chưa nhận thức đầy đủ những quy định này. Điều đó đã khiến những quy định về bảo hộ bản quyền vô tình trở thành rào cản cho quá trình chuyển đổi số ngành Thư viện.

(Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY)

Tổ chức giám sát chặt chẽ

Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu nhận định, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực liên quan thời gian tới cần được chú trọng, theo kịp với tình hình thực tế. Khi có được hành lang pháp lý vững chắc, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ có niềm tin các tác phẩm của mình không bị vi phạm bản quyền sau khi được số hóa, cung cấp đến bạn đọc. Các thư viện cũng có căn cứ để thực hiện, triển khai các giải pháp chống vi phạm bản quyền trong quá trình chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam đề xuất: “Để đảm bảo thực thi vấn đề bản quyền trong lĩnh vực thông tin - thư viện, phục vụ chuyển đổi số và chia sẻ tài nguyên thông tin, Bộ VHTTDL cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Truy cập mở rộng trong lĩnh vực thư viện như cách làm của một số nước trên thế giới. Đây sẽ là “chìa khoá” quan trọng để giải bài toán về cân bằng lợi ích của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và quyền lợi của bạn đọc khi đến với các thư viện. Trước mắt, Bộ VHTTDL cũng cần ban hành văn bản hướng dẫn thực thi bản quyền tác giả trong chuyển đổi số của hoạt động thư viện, tránh việc các thư viện lúng túng, không biết cách xử lý”.

Cùng với đó, ThS Phạm Thị Mai, Trung tâm Thông tin thư viện (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho hay, cần tăng cường tuyên truyền, phổbiến pháp luật, nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của việc chuyển đổi sốhoạt động thưviện. Đồng thời, tăng cường quản lýnhànước vềhoạt động thưviện thông qua việc yêu cầu các thư viện thường xuyên báo cáo công tác thực hiện quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, các cơ quan quản lý và bản thân các thư viện phải giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật về bản quyền trong chuyển đổi số thư viện. Việc sao chụp, nhân bản tài liệu phải tuân thủ quy tắc của thưviện. Trường hợp xảy ra sai phạm, phải nghiêm khắc trong hình thức kỷ luật và xử lý. Một khi tạo được niềm tin, ngành Thư viện sẽ dễ nhận được sự đồng ý của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hơn.

Về giải pháp bền vững, TS Lê Tùng Sơn, Khoa Khoa học quản lý (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN) cho biết, cần “tập” cho bạn đọc có thói quen trả phí khi sử dụng bản sao tài liệu trên môi trường số: “Tiền bản quyền làmột trong những yếu tố cơ bản để bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích của các bên liên quan, bao gồm chủ sở hữu tác phẩm - thư viện - người sử dụng đối với quátrình chuyển đổi số thư viện. Nếu muốn tiếp cận, sử dụng bản sao kỹ thuật số, người dùng cần trả phí. Khoản phí này sẽ được trả cho chủ sở hữu tác phẩm. Làm tốt vấn đề này, chúng ta sẽ cân bằng được lợi ích cho chủ sở hữu tác phẩm theo quy định của pháp luật và họ cũng đồng ý tiếp tục số hoá tác phẩm của mình, cung cấp đến người sử dụng…”. 

V.Vũ (Nguồn: Báo Văn hóa online)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL