Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 14.226
Truyền lửa văn hóa
Lượt đọc: 70109Thời gian: 10:29 - 01/08/2016

(VHH) - Xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo xã hội, văn hóa ở nhiều xã ở huyện miền núi Nam Đông. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể được người dân lưu giữ.

Truyền dạy cho con cháu

Đến Hương Sơn, xã đầu tiên của huyện miền núi Nam Đông đạt chuẩn nông thôn mới, cuộc sống của người dân có nhiều thay đổi. Những con đường sỏi đá dẫn vào các làng bản thuở nào nay đã được bê tông hóa, điện, đường, trường, trạm khang trang, kiên cố.

Ghé thăm nhà Gươl của xã, nhiều giá trị văn hóa của người Cơ Tu vẫn được đồng bào nơi đây lưu giữ. Những chiếc cồng, chiêng, khèn được trưng bày ở nơi trang trọng. Đặc biệt là các hoa văn khắc trên các cột của nhà Gươl.

Tìm đến nhà già làng Quỳnh Mít (86 tuổi), ở thôn 6, xã Hương Sơn, một người được xem là pho sử sống của người Cơ Tu. Già làng Quỳnh Mít cần mẫn bên những chiếc khèn làm từ cây lồ ô, bày cho đứa cháu nội cách thổi khèn trong căn nhà gỗ truyền thống. Già làng Quỳnh Mít kể: "Các phong tục, tập quán, đa số đều được đồng bào chúng tôi gìn giữ. Đó là cách xây dựng nhà cửa, cách tổ chức lễ cưới, các lễ hội. Giống như các dân tộc thiểu số khác, người Cơ Tu rất xem trọng các lễ hội truyền thống của ông cha để lại. Trong các lễ cưới hỏi, mừng lúa mới, tết, luôn có tiếng cồng, tiếng khèn, tiếng chiêng. Đó là văn hóa tinh thần lâu nay không thể bỏ được".

"Những già làng như chúng tôi, có nhiệm vụ truyền đạt lại những điệu nói lý, hát lý, văn hóa, phong tục của người Cơ Tu cho giới trẻ. Chính những hiện vật, lời ca giúp thế hệ người Cơ Tu hiện nay và mai sau hiểu biết và giữ gìn văn hóa truyền thống của mình", già làng Quỳnh Mít chia sẻ.

Ông Hồ Thanh Nghi, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho hay: "Năm 2015, xã Hương Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, cả 4 thôn của Hương Sơn đều có nhà Gươl. Tại nhà văn hóa xã có 5 chiếc tủ trưng bày, lưu giữ hiện vật của người Cơ Tu xưa. Một số hủ tục được người dân xóa bỏ dần để phù hợp với xã nông thôn mới".

Quy hoạch làng văn hóa Cơ Tu

Đến thôn bản nào của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Lộ, Thượng Nhật, Hương Sơn, chúng tôi cũng thấy nhà Gươl. Một số đồng bào vẫn giữ trang phục truyền thống của người Cơ Tu, mang trang sức là những viên đá trên cổ.

Những năm qua, chính quyền huyện Nam Đông đã có nhiều giải pháp tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị vật thể và phi vật thể của văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu. Theo đó, đã hỗ trợ kinh phí cho người dân xây dựng 40 nhà Gươl, nhà văn hóa truyền thống làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Đông cho biết, hiện ở các xã có đồng bào Cơ Tu sinh sống như Hương Sơn, Thượng Nhật, Thượng Long, Thượng Lộ, Thượng Quảng đều có nhà Gươl. Trong đó, nhà ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ và thôn A Xăng, xã Thượng Long vẫn nguyên bản lúc mới xây dựng.

Hiện, huyện Nam Đông đã thông qua đề án “Xây dựng làng văn hóa dân tộc Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ. Làng văn hóa dân tộc Cơ Tu nếu được xây dựng sẽ là nơi bảo tồn và phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa truyền thông của người Cơ Tu.

Trước mắt, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã liên hệ các xã sưu tầm hiện vật trong quá trình lao động sản xuất, các nhạc cụ của dân tộc Cơ Tu trưng bày tại nhà văn hóa dân tộc huyện. Bên cạnh đó, huyện mở một lớp thí điểm về truyền dạy cồng chiêng tại xã Thượng Long và một lớp truyền dạy nghệ thuật nói lý, hát lý tại xã Hương Sơn với 35 học viên tham gia. Kết quả ban đầu rất thành công. "Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ mở lớp nghệ thuật nói lý, hát lý tại xã Thượng Quảng, giúp giới trẻ giữ gìn văn hóa truyền thống của người Cơ Tu ở Nam Đông, bên cạnh việc xây dựng nét văn hóa phù hợp nông thôn mới", ông Tuấn chia sẻ.

Theo Võ Ngọc (TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL