Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 637
Diễn đàn đối thoại sử học - Hành trình Festival Huế và giải pháp phát triển
Lượt đọc: 82593Thời gian: 15:32 - 18/11/2016

(VHH) - Sáng ngày 18/11/2016, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp Văn phòng UBND tỉnh đã tổ chức Diễn đàn đối thoại sử học với chủ đề "Hành trình Festival Huế (2000-2016) và giải pháp phát triển".

Tham dự diễn đàn có PGS.TS Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế; Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế cùng nhiều nhà khoa học được mời tham gia phản biện và các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến Diễn đàn.

Tại diễn đàn, đã có 6 bài tham luận chuyên đề về Festival do các cơ quan, đơn vị tham gia tổ chức Festival trình bày gồm: Festival Huế - Hành trình và phát triển (của Trung tâm Festival Huế); Ưu thế văn hóa, yếu tố căn bản để tổ chức thanh công tác kỳ Festival Huế (của TS. Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao); đồng hành qua 9 kỳ tổ chức Festival Huế (2000 - 2016) mấy ý kiến đề xuất (của TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế); Festival Huế với phát triển du lịch (của tác giả Lê Hữu Minh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch); Festival nghề truyền thống Huế - Thành quả, hạn chế và bài học kinh nghiệm (của UBND thành phố Huế); Báo chí - Truyền thông qua 9 kỳ Festival Huế; đôi điều cần trao đổi (của tác giả Dương Phước Thu - Hội Nhà báo tỉnh).

Với chủ đề "Ưu thế văn hóa, yếu tố căn bản để tổ chức thành công tác kỳ Festival Huế", bài tham luận của Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao trình bày tại diễn đàn tập trung vào 4 nội dung chính: Một là khẳng định vị trí, vai trò của Festival Huế là một thương hiệu văn hóa đặc sắc; thứ hai là đánh giá những tác động của Festival Huế đối với kinh tế - văn hóa - xã hội; thứ ba là chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức Festival Huế và cuối cùng là đưa ra các kiến nghị và đề xuất giải pháp để hướng tới một Festival có chất lượng và hiệu quả cao. Đánh giá phản biện bài tham luận, GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng nội dung bài tham luận của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã có những nhận xét toàn diện và chuẩn xác về Festival Huế. Đặc biệt phần phản biện của PGS.TS Đỗ Bang - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao sự nghiên cứu sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm và kỳ vọng của tác giả về mô hình lý tưởng trong việc xây dựng một Festival chất lượng cao trong tương lai. Một số nhận định, đánh giá trong bài tham luận được các nhà phản biện và nhà khoa học tại diễn đàn đánh giá cao và đồng tình như: Festival Huế thực sự là cơ hội để thể hiện và giao lưu văn hoá của Việt Nam, giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc Cung đình, Ca Huế và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế, các loại hình độc đáo của nhiều vùng miền Việt Nam cùng các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của các đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia của 5 châu lục. Festival Huế đã khẳng định tính chất lễ hội mang tầm quốc gia và quốc tế hay Festival Huế là sự đóng góp thể hiện đậm nét hình ảnh quốc gia, đó là sự hội tụ điểm đến các di sản thế giới mà Thừa Thiên Huế đang sở hữu; đó là sự sáng tạo, sự phong phú của nhiều loại hình nghệ thuật; là tính đa dạng và sự tinh tế của ẩm thực, là sự tinh xảo của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; là sự an toàn thân thiện của đất nước yêu chuộng hòa bình...

Festival Huế là thương hiệu danh giá có sức thu hút và lan tỏa đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần quan trọng đánh thức tiềm năng văn hóa - du lịch Thừa Thiên Huế, quảng bá hình ảnh Văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Thông qua 9 kỳ Festival Huế và 6 kỳ Festival nghề truyền thống Huế đã góp phần khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, là nguồn tài nguyên hết sức hấp dẫn, phong phú, có giá trị cao của Thừa Thiên Huế. Qua 9 kỳ Festival Huế (2000-2016) và 6 kỳ Festival nghề truyền thống Huế (2005-2015), Huế ngày càng khẳng định vị trí thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

"Hành trình Festival Huế (2000-2016) và giải pháp phát triển" là nội dung được Ủy ban nhân tỉnh chọn làm diễn đàn khoa học đối thoại đầu tiên nhằm nhìn nhận những thành công cũng như hạn chế tại các kỳ tổ chức Festival thông qua hình thức phản biện và đối thoại giữa nhà tổ chức Festival và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; đồng thời những kết quả ghi nhận tại diễn đàn đối thoại lần này sẽ giúp các nhà quản lý, nhà khoa học tổng hợp, tìm ra những giá trị đặc trưng của Festival Huế, tham mưu, đề xuất cho chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế những giải pháp tốt nhất thúc đẩy Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế không ngừng sáng tạo và phát triển.

Hữu An
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL