Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 11.386
Trúc Chỉ & Lời hò hẹn tháng năm
Lượt đọc: 83209Thời gian: 22:31 - 22/11/2016
Ảnh: Doanh nhân SG

(VHH) - Nghệ thuật Trúc Chỉ đã như hóa thân của sự chuyển động và hò hẹn của tháng năm, là sự kết dính quá khứ và hiện tại, là sự kế thừa và phát triển giữa truyền thống và hiện đại...

Cái tên Trúc Chỉ được người ta bắt đầu quen và nhớ từ năm 2012 bởi nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý. Trúc Chỉ hiểu theo nghĩa nôm na là “giấy tre”. Thế nhưng nếu gọi như thế thì quá đơn giản và không nói được tinh thần làm nên sự khác biệt. Họa sĩ Phan Hải Bằng cho biết, ngay từ cuộc triển lãm Trúc Chỉ đầu tiên tổ chức tại Huế, nhiều người đến xem vẫn cứ nghĩ đó là một loại giấy tre được nghiên cứu và phục hồi. Nghĩ như vậy là không hoàn toàn đúng với tinh thần của Trúc Chỉ. Bởi thông thường, nếu như trên một tờ giấy người ta sẽ phải vẽ, in hoặc viết lên để tạo nên một tác phẩm thì ở đây, bản thân tấm Trúc Chỉ đã có thể là một tác phẩm độc lập. Nhà nghiên cứu Bửu Ý đặt tên Trúc Chỉ cũng chính là dựa trên tinh thần ấy. Khái niệm Trúc Chỉ còn mang đến một điều gì đó khác hơn nhiều, đó là những giá trị nhân văn nguyên vẹn mà Trúc Chỉ đem đến cho mọi người qua sự vận động của chính nó. Đó cũng chính là khởi nguồn cho nghệ thuật Trúc Chỉ.

Đối với họa sĩ Phan Hải Bằng, nếu chỉ tạo ra một sản phẩm giấy đơn thuần không khó, nhưng điều đó không làm anh thỏa mãn. Bằng nỗi đam mê bất tận, và định hướng mở, cùng với việc vận dụng những kỹ thuật tạo hình đồ họa như kỹ thuật tạo hình bằng phương pháp ăn mòn giấy hay sử dụng các khuôn trổ… anh đã tạo ra một loại hình giấy - mỹ thuật mang tính đặc thù, chất chứa vô vàn nguồn cảm hứng mới lạ. 

Trúc Chỉ ra đời không những chỉ dừng lại ở đó mà bằng những hiểu biết sâu rộng kiến thức mỹ thuật hiện đại, cùng với kinh nghiệm cá nhân được đúc kết qua những thành công lẫn thất bại, họa sĩ Phan Hải Bằng đã tạo ra sự đa dạng hiếm có trong nghệ thuật Trúc Chỉ. Trên tấm giấy được tạo ra từ quy trình làm giấy dó truyền thống của một số làng quê phía bắc, họa sĩ đã tác động lên đó bằng nhiều phương thức khác nhau để làm thay đổi cơ bản cấu trúc bề mặt của nó.

Công việc này hỏi người trực tiếp làm phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ, sáng tạo, có đôi bàn tay khéo léo và con mắt tinh tế khi thao tác. Việc sử dụng áp lực nước nhằm mục đích làm chủ cấu trúc bột giấy, chủ động thay đổi cấu trúc xơ sợi trong tấm giấy để làm thay đổi dần từng lớp bột giấy, tạo ra các sắc độ cho hình ảnh, cấu trúc bố cục muốn thể hiện trên đó. Sau khi bị tác động, tùy vào thời gian và số lần mà độ dày mỏng của giấy sẽ thay đổi khác nhau tùy theo ý đồ của họa sĩ.

Tác phẩm Trúc Chỉ được xem là hoàn thành khi sắc độ đậm nhạt và các tạo hình về nét, mảng đã đạt yêu cầu như phác thảo. Tiếp đó, tác phẩm Trúc Chỉ được phơi khô ngay trên khung, sau khi khô, dỡ ra đã hình thành một tác phẩm độc lập, và duy nhất. Về cơ bản, nó chính là sự kết hợp phương pháp chế bản ăn mòn kim loại và phương pháp in xuyên của nghệ thuật đồ họa. Đây cũng là cơ sở hình thành nên thuật ngữ đồ họa Trúc Chỉ/ trucchigraphy. Điều làm nên sự độc đáo của tác phẩm chính là hình ảnh, cấu trúc, sắc độ... qua hiệu ứng ánh sáng sẽ hiện lên đầy đủ hiệu ứng thẩm mỹ để người xem có thể thưởng thức tác phẩm một cách trọn vẹn và linh hoạt.

Nghệ thuật Trúc Chỉ thực sự đem lại một nguồn năng lượng mới để người nghệ sĩ thêm cơ hội thoát khỏi sự sáo mòn lâu nay, đem đến một phương cách thưởng thức nghệ thuật mới với những giá trị văn hóa truyền thống thuần Việt nhưng hết sức hiện đại. Họa sĩ Phan Hải Bằng và các cộng sự đã nghiên cứu kết hợp nghệ thuật Trúc Chỉ, kết hợp cả hai hướng giữa nghệ thuật tạo hình/thị giác và nghệ thuật ứng dụng, với các nghề thủ công truyền thống khác của Huế để tạo nên những sản phẩm mới mang đậm dấu ấn của văn hóa Huế như: làng tranh truyền thống Sình, mây tre đan Bao La, nghề làm nón, diều, dù tre... vừa tạo ra sự phong phú cho các sản phẩm, vừa kết nối các làng nghề với nhau để cùng phát triển.

Phan Hải Bằng kể, cũng không đơn giản khi tiếp cận với các làng nghề truyền thống. Những ngày đầu anh đã cùng các cộng sự trực tiếp đến các làng nghề để thuyết trình, hướng dẫn và thuyết phục người dân hợp tác với mình trong định hướng của dự án nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam. Nhưng vì đây là một loại hình mới, hơn nữa cũng rất khó trong việc để người làng nghề bỏ đi những thói quen sản xuất truyền thống vốn chỉ chú trọng phục vụ đời sống mà đôi khi lãng quên yếu tố thẩm mỹ. Nhưng với sự kiên trì thuyết phục, cuối cùng một số làng nghề cũng bắt đầu nhận thức ra vấn đề và bắt tay liên kết với anh. Từ đó, các sản phẩm như: nón, ô, các loại đèn, ví, túi xách, bình phong... ngày càng được mọi người yêu thích.

Nghệ thuật Trúc Chỉ đã như hóa thân của của sự chuyển động và hò hẹn của tháng năm, là sự kết dính quá khứ và hiện tại, là sự kế thừa và phát triển giữa truyền thống và hiện đại qua con mắt tài hoa của người họa sĩ. Qua đó, những giá trị văn hóa, những giá trị nhân văn của dân tộc Việt nói chung và của Huế nói riêng được gìn giữ, phát huy và đem lại một đóng góp mới, một giá trị mới cho nghệ thuật nói chung và cho chính  nghệ thuật Trúc Chỉ, bằng phép tiếp biến văn hóa truyền thống trong bối cảnh đương đại! Như một phép ứng xử đúng với các giá trị truyền thống Việt Nam.

Để quảng bá và giới thiệu nghệ thuật Trúc Chỉ, nhiều cuộc triển lãm đã diễn ra tại Tp. Huế, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang, Lào, Mỹ… và gần đây nhất là tại Viện Goethe Hà Nội vào tháng 7/2016. Hiện, họa sĩ Phan Hải Bằng và cộng sự đang tất bật chuẩn bị cho một cuộc triển lãm lớn về Trúc Chỉ vào tháng 4/2017 tại Huế, dịp Festival Làng nghề.

 

Theo Lê Tấn Quỳnh (Báo TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL