Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 6.273
Hội Cầu ngư Thuận An: Khát vọng sống của người dân biển
Lượt đọc: 142797Thời gian: 14:04 - 08/02/2011

        Hàng năm đúng dịp đầu xuân, tiết trời ám áp, sau lễ xuân tế ở đình làng ngày 12 tháng giêng âm lịch, cư dân Thái Dương Hạ long trọng tổ chức hội Cầu ngư...

Bãi biển Thuận An, làng Thai Dương Hạ xưa, xuất hiện từ truyền thuyết về nữ thần Thai Dương mà đến nay cư dân vùng đất này vẫn thờ phụng. Từ một dải đất nối liền với các làng xã duyên hải lân cận, Thuận An  trong cơn lũ kinh hoàng tháng 11 năm 1999 đã mở cửa biển mới Hòa Duân, xé đôi ranh giới Thuận An và 11 xã phía Nam. Làng Thái Dương Hạ trở thành ốc đảo.
Từ khi có làng, nghề sinh sống chính của người dân Thuận An là đánh bắt và chế biến hải sản. Vị khai canh của làng là ông Trương Thiều, được trân trọng gọi là Trương Quí Công, người đã truyền nghề đánh cá cho cuộc sống người dân không ngừng đi lên. Hàng năm đúng dịp đầu xuân, tiết trời ám áp, sau lễ xuân tế ở đình làng ngày 12 tháng giêng âm lịch, cư dân Thái Dương Hạ long trọng tổ chức hội Cầu ngư. Sau này, cứ ba năm, gọi là "tam niên đáo lệ", vào ngày 12 tháng giêng, người dân Thuận An lại tổ chức lễ hội Cầu Ngư.
Tối ngày 11 tháng giêng, các vị bô lão, các gia trưởng, các chủ thuyền tề tựu ở đình làng, với khăn đen áo dài. Đám rước cung thỉnh vị khai canh và vị khai khẩn từ miếu Thành Hoàng về đình làng. Người dân cúng dâng hương hoa phẩm vật tinh khiết. Riêng bàn thờ vị khai canh có bánh khoái và mật ong, hai phẩm vật đặc biệt mà ngài Trương Quí Công thích dùng lúc sinh thời. Đêm ấy, khắp nơi trong làng rộn ràng đèn hoa, pháo nổ. 3 giờ sáng ngày 12, lễ Chánh tế bắt đầu vị bô lão cao niên và uy tín trong làng làm chủ tế. Nhạc lễ thành kính, trầm hương nghi ngút. Một vị bô lão khác cao giọng đọc bài văn tế về công đức các vị tiền bối có công với làng nước, cầu cho quốc thái dân an. Bài văn cũng không quên những người vì nước hy sinh, những oan hồn cô quạnh. Dân làng, chủ thuyền, ngư dân trong trang phục truyền thống vào đình lễ bái. Hơn 1 giờ, lễ tế mới kết thúc. Ăn uống xong là lúc trời vừa mờ sáng. Những cuộc vui của ngày hội bắt đầu. Dân làng kéo về trước sân đình. Trên bộ người người cười vui, dưới phá thuyền ghe từ khắp nơi về chật bến đình. Tảng sáng, bắt đầu vào trò bủa lưới, sinh hoạt nghề biển diễn ra như thật giữa sân đình. Sau các nghi thức lễ lạc là hồi trống thúc rộn ràng. Từ bàn thờ tổ, một vị bô lão bước ra, tung tiền kẽm và phẩm vật vào giữa sân đình. Một số ngư phủ khác dùng cần câu tung mồi nhử cá. Các bé trai tranh nhau nhặt tiền. Cá đã cắn mồi (sau này tiền được thay bằng các gói kẹo, bánh, các em được hóa trang thành cá, tôm)... Đúng vào lúc ấy, một chiếc ghe nan, cốt bằng tre phất giấy do mươi lăm người gánh chạy với ngư cụ, có mấy ngư phủ ngồi trên, tất cả đều phục trang gọn gàng, đầu chít khăn đỏ, di chuyển quanh sân đình. Lưới trên thuyền bủa ra vây đám trẻ vào giữa. Các ngư phủ kéo lưới lại, càng lúc càng thu hẹp vòng vây Bọn trẻ tìm cách vùng vẫy thoát khỏi lưới. Càng cố thoát, lưới càng thắt chặt. Ngư phủ trên ghe nhảy xuống "biển", vào trong lưới bắt một hai con "cá" to nhất mang lên bàn dâng cúng Thành Hoàng. Còn bao nhiêu "con" khác đều bị bắt bỏ vào thúng, vào trạc, gánh xuống phá rửa sạch. Một số "cá" sau đó được gánh đi bán cho... "ruỗi"... (người buôn cá). Người mua kẻ bán, mặc cả như buổi chợ cá thật sự. Ngoài ra, người ta còn diễn nghề câu cá, nghề xúc quệu (đánh bắt khuếch). Phần quảng diễn ấy gọi là "đám trò". Vì là trò diễn dân gian nên người diễn phải hóa trang màu mè, xinh đẹp, "ruỗi" thường được các ông hóa trang, mặc áo 2 lớp, trong màu đỏ, ngoài màu lục, phấn son như phụ nữ. Chất hài, chất kịch trong trò diễn được thêm thắt qua năm tháng làm cho tính sân khấu của hội ngày càng đậm đà. Tiếp tục là cuộc đua trải diễn ra trên phá Tam Giang, trước bến đình. Ngoài các trải trong làng là các trải nổi tiếng ở các làng lân cận. Cuộc đua kéo dài sôi nổi, hấp dẫn trong tiếng trống thúc, tiếng phèng la cổ vũ, tiếng nói cười, la hét rộn ràng. Cùng với lễ chính, từ đêm hôm trước kéo dài đến nhiều đêm sau là các buổi diễn tuồng (hát bộ) để nhân dân đến xem. Các hàng quán mở ra tấp nập. Người dân địa phương, vùng lân cận, người đi làm ăn xa đều sắp xếp công việc để về làng dự ngày lễ thiêng liêng này.
 
 
Chương trình ngày hội còn được tiếp tục bằng cuộc đua trải trên phá Tam Giang. Cuộc đua mang ý nghĩa cầu cho no ấm, vừa được mùa cá, vừa được mùa lúa, thoả mãn ước vọng no ấm của cư dân. Cuộc đua diễn ra trong những tiếng trống, phách hòa cùng với sự cổ vũ nhiệt tình của bà con dân chài nơi đây tạo nên một không khí rất sôi nổi hào hứng.
Lễ hội Cầu Ngư là ngày hội của cả cộng đồng, tràn đầy lạc quan và hy vọng. Lễ hội là nguồn cổ vũ cho cư dân có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề sông nước.
HL (st)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL