Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 6.433
Thừa Thiên Huế: Tập trung phát triển du lịch vùng biển, đầm phá
Lượt đọc: 111744Thời gian: 14:38 - 09/05/2014

         (VHH) - Tỉnh Thừa Thiên Huế có bờ biển 128km và hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á với 22.000 ha. Trong vùng hiện có 5 cửa biển, trong đó có hai cảng biển là cảng nước sâu Chân Mây và cảng Thuận An. Đây là vùng có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; có tiềm năng thế mạnh trong xây dựng nền kinh tế biển và đầm phá.

Phá Tam Giang kéo dài từ cửa sông Ô Lâu đến cầu Thuận An, thông với biển Đông có chiều dài 25 km, chiều rộng từ 0,5 - 4 km, diện tích mặt nước khoảng 52 km2; và hệ thống Đầm Thủy Tú, Đầm Cầu Hai, Đầm An Cư. Ở đây được xem như là vùng điều hòa khí hậu giữa hai vùng cát, điều tiết lũ lụt và làm giảm khả năng ngập úng cho vùng đồng bằng. Ngoài ra, phá Tam Giang có chức năng duy trì nước ngầm vùng đồng bằng ven bờ và vùng đất cát ven biển, duy trì nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân; là nơi tự phục hồi chất lượng nước trước khi đổ ra biển (tích tụ lắng đọng chất thải) để bảo vệ cho môi trường biển được trong sạch. Về nguồn tài nguyên để khai thác du lịch, ở đầm phá Tam Giang có vực nước, cồn cát chắn sát biển và các cửa biển. Cư dân vùng đầm phá, ven biển có nguồn gốc lâu đời với một bản sắc văn hóa đặc biệt - văn hóa của cư dân sống trên mặt nước (mưu sinh trên đầm phá là chủ yếu). Các lễ hội dân gian ở đây khá đặc biệt gắn với tín ngưỡng, tôn giáo, tinh thần thượng võ của vùng sông nước; một số lễ hội diễn tả khung cảnh sản xuất trên đầm phá và mong muốn sự may mắn bình yên, có vụ mùa bội thu. Phải thấy rằng, vùng đầm phá có một vẻ đẹp riêng với vùng nước mênh mông, trong xanh, phẳng lặng nằm kề các đụn cát hùng vĩ chắn phía biển, có các vùng cửa sông có chim nước cư trú. Liền kề đầm Cầu Hai, phá Tam Giang còn có núi, vườn Quốc Gia Bạch Mã, sông Hương thơ mộng và các bãi biển nổi tiếng, trong đó có vịnh Lăng Cô được bình chọn là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Tất cả những yếu tố nêu trên là tiền đề để hình thành những loại hình, những tuyến du lịch liên hoàn sông - đầm phá - biển - núi rất thú vị, phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách, đặc biệt là nhu cầu về du lịch sinh thái.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, thời gian qua, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng tổ chức, triển khai kêu gọi khai thác du lịch sinh thái vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đã cùng các công ty lữ hành tổ chức khảo sát tour, tuyến trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, qua đó hàng loạt các sản phẩm du lịch đã được các công ty lữ hành tiếp cận và chào bán. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành thử nghiệm số du khách đi tour không nhiều. Đã hơn 03 năm trôi qua, hoạt động du lịch đang diễn ra khá chậm, mặc dù địa phương đã có một số nỗ lực trong phát triển kết cấu hạ tầng, tổ chức kêu gọi và thực hiện các dự án đầu tư du lịch... Theo các chuyên gia về quy hoạch và phát triển du lịch, cho đến bây giờ, nguồn tài nguyên ở đây vẫn chưa được khai thác và sử dụng đúng mức. Con người chỉ biết khai thác nó để phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, nông nghiệp... mà chưa hề quan tâm đế đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ trên đầm phá ven biển.
 
 
Về lâu dài, để phát triển du lịch sinh thái vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, phải thực hiện tốt việc quy hoạch và đưa vào thực hiện cụ thể. Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch bảo tồn thiên nhiên tại các điểm dự định phát triển du lịch sinh thái phải được quan tâm hàng đầu. Các khu bảo tồn thiên nhiên nên có quy hoạch, chỉ rõ phân vùng cho du lịch sinh thái. Để làm được điều này, cần phải tiến hành nghiên cứu điều tra tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn thuộc khu bảo tồn và khu vực lân cận có liên quan. Cần có sự kết hợp, nỗ lực của nhiều ngành, nhiều thành phần xã hội. Bên cạnh việc quy hoạch khi đưa vào khai thác du lịch ở vùng đầm phá này cần có các hoạt động và xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách. Việc thành lập Bảo tàng các loài thủy hải sản và phòng trưng bày các ngư cụ đánh bắt để giới thiệu đầy đủ các loài hải sản hiện có ở vùng ven biển và đầm phá ở Thừa Thiên Huế thông qua mô hình, tranh ảnh, hiện vật sống...; đồng thời giúp du khách có cơ hội tìm hiểu về các loại công cụ đánh bắt thủy hải sản truyền thống của ngư dân như: Sáo, đáy, rớ giàn, chuôm, lưới, rê cước các loại... Ngoài ra, các loại phương tiện đánh bắt hàng loạt như thuốc nổ, rà điện... gây tác hại đến môi trường và nguồn gen động vật cũng sẽ được giới thiệu với mục đích giáo dục, cảnh báo và phòng ngừa. Bảo tàng về các loài chim sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu thông tin về tất cả các loài chim hiện đang cư trú tại các sân chim trong khu vực đầm phá và các loài chim di cư theo mùa. Trong đó, có một số loài chim quý đã được ghi tên vào sách đỏ Việt Nam hoặc trong danh sách bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng Châu Âu như: Choắt chân màng lớn, nhạn bụng trắng, chìa vôi, chích đầu nhọn mày đen, sẻ đồng ngực vàng... Khu trại giống và trại nuôi thủy sản là nơi dự trữ các nguồn giống tốt hỗ trợ cho phát triển kinh tế thủy sản của cộng đồng dân cư đồng thời là nơi tổ chức tham quan thực tế cho du khách tìm hiểu về các loài cá, tôm, cua trên đầm phá. Sân chim nước (ở các cửa sông Ô Lâu, Đầm Sam) cho du khách tận mắt nhìn thấy trên các bãi cỏ hoang là những đàn ngỗng trời, vịt trời, sâm cầm, vạc, cò... Đặc biệt, Rú Chá vốn là rừng ngập mặn nguyên sinh diện tích khoảng 5ha rất quý giá ven đầm phá nhưng đã bị chiến tranh tàn phá gần hết; nay đã được phục hồi và bảo vệ rất tốt nhờ vào ý thức cao của người dân làng Quán Hòa và cư dân quanh vùng. Hiện nay, đây là nơi cư trú thường xuyên của một số loài chim bản địa như diệc, vạc, cò, chim cu... Thực vật chủ yếu là cây chá và một số loài cây ngập nước bản địa khác.
Đối với các hoạt động và loại hình du lịch được tổ chức, có thể kết hợp nhiều loại hình như: Du lịch ngắm bình minh và hoàng hôn trên đầm phá; Du lịch khám phá tìm hiểu các loài thủy hải sản, các loài chim trên đầm phá; Du lịch chuyên đề tìm hiểu về các loài động thực vật phục vụ cho mục đích nghiên cứu, học tập; Du lịch tìm hiểu đời sống của dân cư và hoạt động làng nghề; Du lịch tắm nắng, nghỉ biển và thể thao trên mặt nước; Du lịch xe đạp địa hình trên cồn cát; Du lịch tham quan các di tích lịch sử... Ngoài ra, để hoàn thiện và đáp ứng cho một điểm đến của du lịch sinh thái vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, cần thiết phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch sinh thái, phát triển các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch sinh thái; phát triển du lịch sinh thái cộng đồng...
Từ nay đến năm 2020, Thừa Thiên Huế phấn đấu xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái trọng điểm. Ngành thủy sản tập trung phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm mới có chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường đi đôi với việc bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững và ổn định, góp phần nâng cao đời sống của người dân ven biển và đầm phá.
BM (TH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL