Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 10.102
Độc đáo lễ "Vinh danh nàng dâu"
Lượt đọc: 97968Thời gian: 17:34 - 21/06/2014

(VHH) - Phụ nữ Việt Nam vốn có truyền thống chịu thương chịu khó, là vợ hiền dâu thảo trong gia đình. Để ghi nhớ công lao đóng góp của những người vợ, người mẹ, dòng họ Lương tại làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) đã tổ chức lễ "Vinh danh nàng dâu".

Đây là việc làm có ý nghĩa đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình, kết nối các thành viên trong họ tộc và giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt...

Mỹ Lợi là làng văn hóa nổi tiếng của Thừa Thiên Huế. Không chỉ có các di tích lịch sử lâu đời, có giọng nói đặc trưng riêng biệt mà còn nổi tiếng bởi việc bảo tồn những giá trị truyền thống, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Việc dòng họ Lương của làng tổ chức lễ "Vinh danh nàng dâu" là hoạt động có ý nghĩa không chỉ ở địa phương mà còn là mô hình để các vùng khác học hỏi. Những người mẹ, người vợ của dòng họ Lương được vinh danh là những phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng có công đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển gia đình.

Cụ Lương Sáu, tộc trưởng của họ Lương ở Mỹ Lợi tự hào khoe "Dòng họ Lương lớn mạnh như hôm nay không chỉ là công sức của con dân trong họ, mà còn có sự đóng góp rất lớn của những người làm dâu. Đó là những người vợ, người mẹ hội đủ tứ đức Công - Dung - Ngôn - Hạnh. Họ đã không ngại gian khổ, nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài".

Cụ Sáu cho biết, để ghi nhớ công ơn của những người con dâu, dòng họ Lương đã quyết định lấy ngày giỗ họ (12.8 âm lịch) để làm lễ vinh danh nàng dâu. Cứ thế, 5 năm một lần, con cái trong họ sẽ trở về làng làm lễ. Những người phụ nữ được vinh danh sẽ được trao Bằng khen, tặng bộ áo dài truyền thống.

Ông Nguyễn Minh Tuân, Trưởng phòng VHTT huyện Phú Lộc cho rằng lễ "Vinh danh nàng dâu" của dòng họ Lương làng Mỹ Lợi là mô hình đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế; có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hoạt động này góp phần nâng cao tình đoàn kết của bà con trong họ tộc, phát huy những phẩm chất và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một trong những tấm gương "nàng dâu tứ đức" của họ Lương là cụ Hầu Thị Thiếp (90 tuổi). Cụ được người dân trong làng kính trọng bởi là một người phụ nữ đức hạnh, mẫu mực. Khi liệt sĩ Lương Trường - chồng cụ Thiếp, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp là lúc cụ vừa mới sinh hạ người con trai thứ đúng 3 ngày.

Những đứa con lớn còn đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Vậy mà cụ đã làm mọi việc để thay chồng gánh vác việc nuôi con ăn học, và không quên phụng dưỡng cha mẹ chồng già yếu. Khi những người con lớn đã được dựng vợ gả chồng, cụ Thiếp cũng đưa ra những triết lý để dạy bảo con cháu sống hòa thuận. Những người con, cháu của cụ sau này đều đỗ đạt vào các trường đại học. Riêng gia đình chị Trần Thị Bê - con dâu cụ Thiếp có đến 5 người con học tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Trong số 166 nàng dâu của dòng họ Lương được tổ chức vinh danh vào dịp này, chị Ðoàn Thị Nữ là một tấm gương điển hình vượt lên số phận. Chồng mất sớm khi tuổi đời chị vẫn còn thanh xuân, thế nhưng, bằng nghị lực và đức tính chịu thương chịu khó, chỉ với mấy sào hoa màu và ít phần ruộng, chị Nữ đã nuôi được 2 người con học đến đại học. Trong đó, con trai cả của chị vừa bảo vệ xong luận án Tiến sĩ và hiện đang làm việc tại Pháp.

Chị Nữ tâm sự: "Được dòng họ trao tấm bằng khen chính là sự động viên của dòng họ đối với những phận làm dâu như tôi. Vì thế mà chị em chúng tôi luôn bảo ban nhau cố gắng nhiều hơn trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con cháu phải chăm lo học hành, biết giữ gìn phẩm hạnh để không hổ thẹn với ông bà, tổ tiên...".

BM (Theo Văn hóa Online)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL