Người xứ Truồi, nơi sơn thủy hữu tình nổi tiếng với câu ca dao “Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu. Anh đi làm rể ở lâu không về”, dù có ngôi chợ Truồi khá phong phú đặc sản, nhưng muốn ăn món tươi ngon được đánh bắt từ phá Tam Giang cũng phải bươn bả về tận chợ Cầu Hai, cách đó 20 cây số từ sớm để lựa chọn đủ thứ sản vật nước lợ, nước ngọt ở đây.
Chợ Cầu Hai ở cách thành phố Huế về phía Nam khoảng 40 km, nằm bên trục Quốc lộ 1A, nhìn ra đầm phá mênh mang, là nơi hội tụ của hàng chục loài hải sản phong phú như các loài: cá kình, cá dìa, cá hanh, cá đối... và cua gạch. Cua gạnh tại chợ Cầu Hai có lẽ là ngon ngọt số một. Cua có lớp vỏ mỏng, gạch đỏ ngọt lừ, tôm đất ở đây cũng là một đặc sản và là nguồn nguyên liệu độc đáo để làm nên món tôm chua đặc sản của Huế. Đến Huế, vào các nhà hàng, thường hay được quảng cáo “hôm nay có cua gạch Cầu Hai” hay món “tôm chua, thịt luộc, dưa giá” một cách tự hào kiểu "chẳng nơi nào có được".
Mà đúng như vậy, nhờ vùng đất được thiên nhiên ưu đãi nãi, nơi đây đã sản sinh ra những đặc sản cho Huế mà nếu đi vào Nam hay ngược ra Bắc, cho dù đến vùng duyên hải, bạn khó có được.
Nếu có dịp lang thang lên núi Bạch Mã, thử trải nghiệm một đêm ở lại ngay thị trấn Cầu Hai, sáng nhâm nhi ly cà phê đặc quánh kiểu pha cà phê của Huế, ngắm các chị các mẹ đi chợ, rồi thong dong bước sang bên kia đường vào chợ. Ở đó, bạn sẽ bắt gặp hàng hàng dãy dãy các loại từ rau quả quê đến đủ thứ loại hải sản tươi rói còn mang hương nồng vị lợ của phá Tam Giang, của vị mặn từ phía cửa biển Thuận An, cửa Tư Hiền theo gió đưa về. Và bạn sẽ không ngần ngại chọn mua lấy một mớ hải sản nào đó, vài ba trái vả, nắm dưa môn, trái chuối chát, khế chua, mớ rau thơm cay nồng, dăm ba quả ớt xanh, mớ rau má, rau mồng tơi quê… với giá cực rẻ. Mang lên Huế hay vào Đà Nẵng, đến bất kỳ quán ăn nào, nhờ nấu nồi canh chua hay nồi lẩu bằng mớ nguyên liệu này. Nhâm nhi thêm cốc rượu làng Chuồng nổi tiếng của Huế..., bạn như đang tận tưởng những điều thú vị bậc nhất mà không phải ai đến Huế cũng có cơ hội trải nghiệm.