Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 11.351
Quản lý, tổ chức lễ hội: Hiểu đúng để ứng xử đúng
Lượt đọc: 88062Thời gian: 07:51 - 13/02/2017

(VHH) - Mùa lễ hội năm 2017 dù mới chỉ bắt đầu nhưng đã nảy sinh nhiều bất cập. Những hành xử kém hiểu biết với di sản văn hóa, như cách của GS. Trần Lâm Biền, chính là hiện tượng có tâm nhưng lại thiếu tuệ...

Vẫn là "bài toán khó"...

Năm nào cũng thế, chuẩn bị cho mùa lễ hội, Bộ VHTTDL đều có những chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương nhằm tìm "tiếng nói chung" trong việc chấn chỉnh những hành vi bạo lực, thiếu văn minh, văn hóa, không phù hợp với đời sống mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn không ít những hiện tượng phản cảm diễn ra tại các lễ hội, khiến cho những nỗ lực của cơ quan chức năng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Vì nhiều lý do khách quan, trong đó có cả tình trạng "con gà tức nhau tiếng gáy" mà các lễ hội ngày càng mở rộng về quy mô tổ chức thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự. Cùng với tình trạng thiếu hiểu biết về lễ hội mà mình tham dự, tâm lý cái gì cũng muốn nhanh hơn, nhiều hơn người khác của không ít khách dự hội đã khiến cho các lễ hội đang dần mất đi sự tôn nghiêm. Niềm tin mù quáng và thiếu hiểu biết của người dân, du khách vào những yếu tố tâm linh, tín ngưỡng cộng với tâm lý đám đông đã dẫn đến việc tranh cướp lộc, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận.  

Sự thiếu hiểu biết này thậm chí còn ở ngay cả những người tổ chức lễ hội như trường hợp của sư thầy phát lộc ở lễ hội Chùa Hương tạo nên cảnh tượng tranh cướp hỗn loạn giữa chốn thiền môn. Mặc dù ngay lập tức cơ quan chức năng sở tại đã có chỉ đạo và rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc tổ chức lễ hội, tuy nhiên việc làm của sư thầy cũng khiến cho nhiều người phải suy nghĩ!

Có thể thấy, dù cho cơ quan quản lý Nhà nước đã dự lường trước nhưng chuyện tranh cướp lộc và những hành vi phản cảm thiếu văn minh vẫn là "căn bệnh khó chữa" của người đi hội, luôn là vấn đề đau đầu những nhà tổ chức và chính quyền các địa phương.

Hiểu đúng để ứng xử đúng

Theo thống kê, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội mỗi năm, trong đó hơn 80% là lễ hội dân gian vốn là hội làng truyền thống. Tuy nhiên, một số lễ hội đang có dấu hiệu thương mại hóa, trục lợi, làm mất đi nét đẹp truyền thống và cả những giá trị tâm linh, tín ngưỡng của lễ hội.

TS Lê Thị Minh Lý, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng, khi đã thương mại hóa thì sẽ phải làm sai lệch di sản, sẽ có sự cạnh tranh lợi ích các nhóm với nhau, nó sẽ dẫn đến những nguy cơ. "Lễ hội dân gian là những lễ hội mà chủ thể văn hóa là các cộng đồng vì vậy cho nên biện pháp đầu tiên là làm sao để vai trò của cộng đồng được đề cao mà nếu sự tham gia của cộng đồng là tốt thì tất cả các lễ hội đều là tốt", TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.

Để giải quyết các vấn đề của lễ hội, cũng có những địa phương thay vì thắt chặt quản lý, tìm kiếm biện pháp hiệu quả phù hợp với cuộc sống hiện tại, cơ quan chức năng lại chọn phương án "cấm" đối với những nội dung dễ gây phản cảm, lộn xộn. Việc làm này đã không nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía người dân vì cho rằng như thế sẽ làm mất phong tục cổ truyền từ xưa để lại, làm mất ý nghĩa tâm linh quan trọng nhất của lễ hội.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền cho rằng, để chấn chỉnh những vấn nạn của lễ hội hiện nay, người dự hội cần trang bị kỹ năng hành xử, kiến thức về lễ hội. Bên cạnh đó, nhà quản lý phải biết chắt lọc những giá trị phù hợp của lễ hội, hướng dẫn, quy định nhằm nâng cao nhận thức về lễ hội mới có thể quản lý tốt.

Đề xuất biện pháp quản lý hiệu quả, ông Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, phải có giải pháp mang tính chất tổng thể, từ chuyển biến về mặt nhận thức đến việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử, tạo chế tài áp dụng các quy tắc ứng xử trong lễ hội. Để chuyển biến trong nhận thức người dân, phải có sự truyền thông, tác động đến nhận thức của họ, trong đó, chú trọng tạo dựng dư luận xã hội bằng nhiều hình thức truyền thông (qua báo đài) và mạng xã hội.

Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, hướng tới một một đối tượng suy tôn là biểu tượng tâm linh, tín ngưỡng của lễ hội. Lễ hội là một đặc trưng văn hóa, có tính tiếp biến, không ngừng thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cấm đoán hay xóa bỏ một lễ hội, từng phần của lễ hội một cách cứng nhắc thì chưa chắc đã là cách làm đúng. Vấn đề cần nhận thức đúng, từ đó có những ứng xử đúng đắn tại lễ hội, để khi tan hội ai nấy đều vui vẻ, mãn nguyện. Làm được như thế cũng chính là cách thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tiền nhân.

Theo CINET
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL